Luật trên trời, thông tư dưới đất

TP - Sáng 27/11, thảo luận dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, đang có tình trạng “luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất” do nhiều luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn.

Nhiều người dân và doanh nghiệp sợ thông tư hơn sợ luật vì không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền và mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn cả luật. 

Soạn thảo “đẽo cày giữa đường”

Cho rằng Luật Ban hành văn bản pháp luật có nhiệm vụ tạo khung khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hệ thống lập pháp và lập quy, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc nhận định, một số vấn đề quan trọng vẫn chưa chạm vào bản chất của vấn đề và chưa có những biện pháp xử lý thỏa đáng những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.   

Ông Lộc cho rằng, luật hiện hành không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật khiến cho các dự thảo không có định hướng chính sách rõ ràng. “Việc thiếu định hướng của các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ngay từ khi xem xét, đề xuất ý tưởng khiến cho người soạn thảo giống như anh “đẽo cày giữa đường”, không biết nên kiên định đường hướng nào”, ông Lộc nói. Thực tế cho thấy, một số văn bản ban hành không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn tới những hiểu nhầm và tranh luận không cần thiết. Hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản.

Ông Lộc dẫn chứng một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe... 

Ngoài ra, hiện các bộ, ngành vẫn là cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Do vậy, có một xu hướng tự nhiên nhiều chính sách đã dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, nhưng không có cơ chế hạn chế hệ quả của việc này.   

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói rằng, chúng ta đang vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách, việc làm này không khác gì “vừa thiết kế, vừa thi công”. Hệ quả là một văn bản phải soạn thảo nhiều lần mà hiệu quả không cao. “Nhiều quy định không rõ hoặc quá chung chung, đọc thì nghe rất hay nhưng áp dụng không dễ, do chính sách không được làm rõ ngay từ đầu. Các buổi thảo luận trôi qua nhưng vấn đề vẫn còn ở lại, đành giao cho Chính phủ quy định. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Chính phủ gặp khó khăn, lúng túng khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành”, bà Thúy nói.

ĐB Vũ Tiến Lộc nhận xét, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt, người dân và doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định, bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở đã từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. “Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền và mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật và nghị định. Luật ở trên trời, thông tư ở dưới đất”, ông Lộc nhận định. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý.
Văn bản sai, không ai chịu trách nhiệm

Để khắc phục tình trạng “luật trên trời, thông tư dưới đất”, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị, các loại văn bản cấp bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền, hoặc tăng thêm nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên. Tương tự cách làm hiện nay của Luật Doanh nghiệp là không cho phép các bộ, ngành, địa phương ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Đặc biệt, phải tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật.

“Hầu như không cơ quan soạn thảo nào công khai bản dự thảo cuối cùng mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu. Thậm chí, có không ít văn bản mà quá trình soạn thảo chỉ khép kín giữa các cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. Hệ quả là người dân và doanh nghiệp bị bất ngờ khi văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, chứa đựng những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó”, ông Lộc nói. 

ĐB Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đề nghị làm rõ trách nhiệm cuối cùng về nội dung văn bản được ban hành. “Mặc dù văn bản được ban hành là kết quả của quá trình làm việc của tập thể, nhưng cuối cùng vẫn có người đứng đầu ký ban hành. Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của người ký văn bản, để từ đó nâng cao trách nhiệm của tất cả những người tham gia soạn thảo, không nên để tình trạng văn bản sai, chậm, mâu thuẫn, không khả thi, gây thiệt hại cho người dân, Nhà nước nhưng không ai chịu trách nhiệm về việc ban hành”, bà Huệ nói.

Chưa đại biểu nào tự trình dự án luật

ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo đã quy định về cách thức tổ chức thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu QH, từ đề xuất, kiến nghị đến tổ chức thực hiện. Nhưng ông Mạnh cho rằng, những quy định này “chưa thiết thực, hiệu quả” trong điều kiện đại biểu QH thiếu bộ máy tham mưu, giúp việc.

“Trên thực tế, đại biểu QH rất khó triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, chứ chưa nói là chuẩn bị một dự án luật hoàn chỉnh để trình ra QH và đến bây giờ chưa có đại biểu nào trình được một dự án như vậy”, ông Mạnh nói. Ông cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, ví như QH có thể giao Viện Nghiên cứu Lập pháp soạn thảo các văn bản luật theo đề nghị của đại biểu QH nếu như đề nghị ấy được chấp thuận.   

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói rằng, khi đại biểu QH đưa một sáng kiến lập pháp thì các ủy ban, Hội đồng Dân tộc hỗ trợ, để có thể trở thành hiện thực, giúp nâng cao vai trò của đại biểu.

Theo ĐB Nguyễn Thị Huệ, các văn bản loại khác dưới luật hiện không quy định về trình tự, thủ tục trình sáng kiến pháp luật, nên các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, người dân không biết phải đề xuất sáng kiến với ai. Do vậy, luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận các sáng kiến pháp luật và công khai việc này để người dân được tham gia vào công việc quản lý nhà nước và xã hội như Hiến pháp quy định.