Lũ lụt ở Thanh Hóa: Nước ngập gần bàn thờ trong ngày giỗ

TPO - Bà Duyến bùi ngùi kể rằng hôm nay là ngày giỗ đầu chồng bà: "Thế mà nước ngập gần bàn thờ. Con cháu phải bơi thuyền vào nhà thắp hương cho ông ấy".

Đến sáng 14/10, nhiều khu vực ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa vẫn chìm trong nước. Cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng lũ bị đảo lộn.

Sáng nay, khi nước rút khỏi mặt đê, bà Nguyễn Thị Duyến (76 tuổi, thôn Thạch An, xã Thạch Định) cùng người thân đem những bì lúa, gạo bị ngập nước đi phơi. Ngâm lâu trong nước, lúa thì đã mọc mầm, còn gạo đã bốc mùi chua.

Ngân ngấn nước mắt bên túm gạo bốc mùi chua, bà Duyến bùi ngùi: "Hôm nay là giỗ đầu chồng tôi. Thế mà giờ nước vẫn ngấp nghé bàn thờ. Con cháu phải bơi thuyền vào nhà để thắp hương cho ông ấy. Mâm cơm cúng thiếu thốn mà cũng chẳng để được lên bàn thờ cho đúng nghĩa ngày giỗ".

Người thân phải chèo thuyền để thắp hương cúng giỗ. Ảnh: Hoàng Lam

Ngay trong lều dựng tạm trên mặt đê, bà Duyến ngồi ngó vào ngôi nhà đang ngập nước và lo lắng: “Nước rút chậm lắm, mà dự báo cơn bão số 11 chuẩn bị đến. Chúng tôi chưa biết phải thế nào”.

Theo ghi nhận, đến hôm nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nước lũ đã rút. Lực lượng đoàn viên thanh niên, ngành chức năng cùng nhân dân đang tiến hành làm công tác vệ sinh nhà ở, môi trường, hỗ trợ lương thực, thực phẩm các hộ dân khó khăn, khắc phục sau mưa lũ....

Phơi gạo ngập nước

Một số ngôi nhà vẫn ngập trong vùng lũ. Ảnh: Hoàng Lam

Trong ngày 14/10, mực nước tại các sông ngòi trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn cao. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Nghệ An tính đến 11h ngày 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa cao nhất đo được là 401,0mm.

Mực nước đỉnh lũ trên hạ lưu sông Cả tại trạm thủy văn Nam Đàn là 6,45m (dưới mức báo động II là 0,45m). Trước tình hình đó, ngoài thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành 5 công điện chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương... về việc phòng chống thiên tai.

 Nghệ An chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ.

Toàn tỉnh kêu gọi 3.912 phương tiện/18.523 lao động đánh bắt hải sản trên biển về nơi tránh trú an toàn, di dời được 1.050 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 179 hộ bị ngập nước, lúa mùa đã thu hoạch đạt 76%, nuôi trồng thủy sản thu hoạch được 3.256 ha/21.258 ha.

Ngoài ra, 625 hồ đập lớn nhỏ đã đầy nước. Hai hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh là Hồ Vực Mấu và Hồ Sông Sào đều đã xả lũ. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn cũng đã mở van xả lũ.

Đặc biệt, tuyến đê phía hữu đê Kênh thấp đoạn qua phường Vinh Tân, thành phố Vinh bị sạt lở 2 vị trí, với chiều dài 60m. Chính quyền địa phương đã huy động hơn 300 lực lượng vũ trang tiến hành hộ đê. Xử lý đóng cọc tre giữ chân, đắp áp trúc mở rộng mặt đê về phía đồng bằng bao tải đất; Mái đê phía sông đang tiến hành thả đá rối giữ chân chống sạt lở. Nhiều vị trí trên các quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn ngập nước và sạt lở đất.

Hiện, theo báo cáo nhanh của 20/21 huyện, thị thì có 9 người chết, gần 400 nhà dân bị sập, sạt lở, tốc mái... 944 hộ/1.545 ki ốt kinh doanh tại chợ Vinh bị ngập nước hư hỏng hàng hóa; 9 điểm trường bị ảnh hưởng; Lúa bị ngập 347,87 ha; Ngô và rau màu bị ngập 8.857,32 ha; Diện tích cây trồng hàng năm bị ngập 1.694,3 ha; Diện tích cây trồng lâu năm bị thiệt hại 207,5 ha; Lương thực bị trôi, ẩm ướt và hư hỏng 12 tấn...

Về chăn nuôi có 8 con trâu bị cuốn trôi, 15 con dê bị chết, 617 con lợn bị cuốn trôi, 16.632 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Mưa lớn làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam, hiện nay nước sông đang ở mức cao nên chưa thống kê cụ thể được. Sạt lở đất bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông và có vết nứt dọc mép hành lang đường quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m.

Ngoài ra, 4.239,01 ha ao hồ bị ngập; 1.196,7 ha Cá vụ 3 (cá – lúa), cá nuôi mặt nước lớn bị mất trắng; 170 ha Tôm bị ngập...  Đường giao thông địa phương bị sạt lở: 9.333 m; 19 Cầu loại nhỏ, cầu tràn, cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở...