Lớp học tình thương của những người không đầu hàng số phận

TPO – Nếu có dịp đến với lớp học tình thương của trung tâm nghị lực sống, bạn sẽ thấy lòng nhiệt huyết của người thầy, sự nỗ lực của những học sinh khuyết tật, đang nỗ lực ngày đêm để vượt lên số phận.

Lớp học tình thương của những người không đầu hàng số phận

> Nghị lực của hiệp sĩ vừa ra đi
> Ngọn lửa 'hiệp sĩ' Nguyễn Công Hùng đã tắt
> Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật

TPO – Nếu có dịp đến với lớp học tình thương của trung tâm nghị lực sống, bạn sẽ thấy lòng nhiệt huyết của người thầy, sự nỗ lực của những học sinh khuyết tật, đang nỗ lực ngày đêm để vượt lên số phận.

Một buổi học của các em khuyết tật ở lớp. Ảnh: Thanh Hà.

Lớp học là nhà

Tiếp nối thành công của người thầy - hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng với mong muốn giúp những người khuyết tật có thể tự lo cho cuộc sống của mình, Nguyễn Văn Hùng, từng một thời ở bên thầy của mình, đã truyền những nhiệt huyết cho thế hệ trẻ kế tiếp, để chứng tỏ họ vẫn có ích cho xã hội, và làm được nhiều hơn thế.

Lớp học tình thương của trung tâm nghị lực sống nằm ở Thủ đô Hà Nội, trên tầng 10 của khu chung cư, không biển quảng cáo, không tên lớp. Bước vào lớp học, những ai chưa từng gặp Hùng, có thể sẽ bất ngờ vì chàng trai quê  Nam Đàn, Nghệ An này năm nay đã 26 tuổi, nhưng lại mang hình dáng của cậu học sinh cấp một nhỏ nhắn. Hùng, với giọng nói chững chạc, đang giảng bài cho những học trò chăm chú lắng nghe.

Lớp có hơn chục người, đều còn rất trẻ, mới chỉ 19 - 20 tuổi. Mỗi người một quê, hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi đến với lớp học, tất cả đều xem nhau như anh em, cùng sống chung, sinh hoạt trong mái nhà gần 50m2 và cũng là lớp học.

Hùng (phải) đang hướng dẫn các em học tin học. Ảnh: Thanh Hà.

Hàng ngày, các em được học tin học văn phòng vào các buổi sáng, chiều học Tiếng Anh giao tiếp, tối được học sức khỏe sinh sản. Khóa học kéo dài 6 tháng. Mỗi chương trình học tùy thuộc vào nhu cầu tuyển dụng của các công ty, Hùng kể.

Khó nhất là hướng dẫn các em học, làm quen với máy tính. Nhiều em khi đến đây mới biết đến máy tính, Hùng phải chỉ cho từng em một, giải thích sao cho các em hiểu và tự mình làm được mới chuyển qua phần khác. Sau mỗi buổi học, các em được giao bài tập để rèn kỹ năng, thao tác.

Đến lớp học, đồng thời cũng là nhà này, các em không phải đóng học phí, chỉ đóng 1 triệu một tháng cho tiền nhà, điện nước, ăn uống, sinh hoạt. Ở đây, mọi người sống chung với nhau như một gia đình. Mỗi người một việc tự nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp...

Hùng giúp đỡ em Sơn thực hành.

Nối tiếp

Đến với lớp học tình thương cũng là cái duyên của Hùng. Hùng kể, từng vào miền Nam học Trung cấp Tin học, sau đó xin được việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống trong đài phát thanh. Những ngày nghỉ, Hùng thường đi làm thêm như bán vé máy bay ở phòng vé, làm gia sư dạy toán, kiếm thêm thu nhập.

Khi biết tới nghị lực của hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, chỉ có thể cử động được một ngón tay, mà vẫn nuôi sống được bản thân, còn giúp những người khuyết tật khác, Hùng đã làm hồ sơ và may mắn được nhận vào trung tâm của người thầy - người anh đi trước.

Theo dòng chảy của thời gian, giờ đây, khi hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng không còn nữa, Nguyễn Văn Hùng lại hàng ngày truyền đạt kiến thức cho các em khuyết tật, những mong tất cả đều vươn lên, khẳng định mình.

Để giúp đỡ các em tìm việc làm sau khi khóa học kết thúc, Hùng và mọi người mất hàng tháng trời làm hồ sơ xin tài trợ, kêu gọi những công ty phần mềm giúp các em sau khi học xong có thể tìm được việc làm, lo cho cuộc sống.

Nhiều lúc, Hùng phải chạy đi chạy lại 5-6 lần mới làm được bộ hồ sơ, do phải sửa thông tin. Cũng may, mọi thứ ở lớp học đều được những nhà hảo tâm tài trợ, giúp đỡ, từ những chiếc máy tính, máy chiếu đến đồ phục vụ học tập.

Quyết vượt lên số phận

Lê Quốc Sơn (22 tuổi), quê Hải Phòng, là học sinh của "lớp thầy Hùng". Sơn bị khuyết tật bẩm sinh, gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, sinh hoạt. Sơn cũng không thể nói linh hoạt như mọi người.

Khâm phục ý chí nghị lực của anh Nguyễn Công Hùng, Sơn đã đến với trung tâm, mong học thành nghề và tìm được việc tự nuôi sống bản thân. Hàng ngày, sau mỗi buổi học, Sơn thường dành 1 - 2 tiếng tự ngồi đánh máy và học những chương trình thầy Hùng dạy, để từng bước hiện thực hóa quyết tâm không đầu hàng số phận.

Một bạn khác cũng có hoàn cảnh rất khó khăn là Đoàn Bảo Ngọc (20 tuổi, quê ở Ứng hòa, Hà Nội). Mẹ mất, cha phải nuôi cả 3 chị em ăn học. Hàng ngày, cha vất vả sớm hôm ra đồng cày cấy. Nhà có đàn lợn cha cũng phải chăm. Thương cha, nhưng Ngọc không làm được nhiều việc vì chỉ có thể đi lại bằng 1 chân.

Thấy mình ở nhà không giúp gì được cha, Ngọc đến với lớp học tình thương, mong sẽ tìm được việc. Sau 1 tháng, được sự giúp đỡ, Ngọc đã tìm được việc làm.

Làm được 2 tuần, Ngọc chia sẻ, tiền lương hàng tháng sẽ đóng ở trung tâm, còn thì để dành gửi về cho cha và các em nhỏ.

Thanh Hà

Theo Viết