Lời thề

TP - Không có sinh viên của bất cứ một trường đại  học nào khi tốt nghiệp phải đọc lời tuyên thệ ngoài sinh viên ngành y. Đó là lời tuyên thệ Hippocrate. Lời tuyên thệ này vượt không gian và thời gian và nó trở thành chuẩn mực đạo đức của người thầy thuốc.

Ở Việt Nam, đạo đức của người thầy thuốc được gói gọn bằng hai chữ y đức. Y đức là một quy định luân lí về hành vi của người thầy thuốc.

Trên tinh thần của lời tuyên thệ Hippocrate, Hiệp hội  Y khoa thế giới cũng ra Qui ước đạo đức ngành y của Hiệp hội .Và ngày 6/1/1996, Bộ trưởng Y tế cũng ban hành 12 điều y đức cho đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam.

Chưa ai có điều kiện để làm một cuộc khảo sát thử xem trong số đội ngũ cán bộ nhân viên y tế nước nhà có bao nhiêu người nắm và thuộc 12 điều y đức mà ngành y tế quy định. Xem có bao nhiêu người thuộc nằm lòng lời tuyên thệ Hippocrate khi ra đời hành nghề cứu người. Tỷ lệ bao nhiêu phần trăm những người trong ngành y nắm bắt được tinh thần Quy ước đạo đức ngành y của Hiệp hội Y khoa thế giới.

Ngay phần đầu lời tuyên thệ đã xác định: Người thầy thuốc phải tận tâm chăm sóc sức khỏe với sự cảm thông và tôn trọng danh dự và quyền con người. Người thầy thuốc phải duy trì các chuẩn mực của chuyên ngành, thành thật trong tất cả các giao tiếp chuyên môn, và phấn đấu báo cáo nhà chức trách những thầy thuốc thiếu tư cách, hay bất tài, hay liên đới đến những vụ lừa đảo…

Chỉ với nội dung đó thôi đã đặt ngành y tế trước những thách thức không nhỏ trong cơ chế thị trường hiện nay.

Những động thái khá quyết liệt và dám nhìn thẳng vào sự thật khi người đầu ngành đã đưa ra mệnh lệnh tuyên chiến với nạn phong bì. Những người trọng danh dự nghề nghiệp đã không ít lần đăng đàn bày tỏ sự phẫn nộ cũng như sự xấu hổ với những con sâu làm rầu nồi canh. Cuộc chiến giành lại y đức cho ngành y ngày càng quyết liệt. Chính y đức xuống cấp nó làm băng hoại quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc. Niềm tin mà người bệnh giao phó cho thầy thuốc luôn bị lung lay, chao đảo bởi quan hệ bán mua.

Như một định lí thuận, khi y đức xuống cấp thì y thuật có vấn đề. Những tai biến y khoa diễn ra dày đặc hơn, nghiêm trọng hơn khiến dư luận bức xúc.

Ông tổ nghề y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác  từng liệt kê ra một danh sách các vấn đề y đức mà ông cho là “tội”, trong đó có các tội như tội như hống hách, lười biếng, chẩn đoán qua loa và tội dốt. Theo danh y, người làm nghề chữa bệnh cho thiên hạ mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì bọn “ thảo khấu”.

Đông Tây Cổ Kim đều có những luận bàn về y đức. Sao vậy? Bởi nó chỉ giản đơn là liên quan đến sinh mệnh, quyết định đến sự sinh tử của con người.

Lời thề còn đó, quy ước còn đây, quy tắc rành rẽ rõ ràng ngay tiền sảnh của từng bệnh viện. Vậy tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn cứ mãi bàn về y đức?

Câu trả lời chính xác không ai khác từ những người đang mang sứ mệnh vinh quang mà nặng nề chữa bệnh cứu người.