Loay hoay mở rộng thu phí tự động

TP - Dù Thủ tướng giao Bộ GTVT mục tiêu thực hiện thu phí tự động không dừng trên toàn bộ Quốc lộ 1 và tuyến đường Hồ Chí Minh trong năm 2018, và các trạm thu phí BOT khác trong năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện rất chậm. Vì sao vậy?
Trạm thu phí tự động Hà Nội - Bắc Giang. ẢNH: NHƯ Ý

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA (Nhật Bản) cho biết, thu phí tự động không dừng có nhiều điểm lợi, như: Minh bạch hoạt động thu phí, ngăn chặn gian lận, quản lý các trạm thu phí hiệu quả, rút ngắn thời gian qua trạm... Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để việc này được triển khai nhanh hơn. Bên cạnh việc một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông không muốn minh bạch hoạt động thu phí, cũng có “điểm nghẽn” xuất phát từ quy chuẩn chung của hệ thống thu phí tự động.

Theo đó, để thu phí tự động không dừng cần cụm thiết bị lắp bên trạm thu phí, và thẻ dán trên xe. Tuy nhiên, tới nay chưa có quy chuẩn chung cho các thiết bị này, dẫn tới mỗi nhà đầu tư chọn một thiết bị khác nhau, các xe dán thẻ của một đơn vị A sẽ không dùng được cho hệ thống của đơn vị B. Cùng đó, mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí lại có những tài khoản riêng cho lái xe, dẫn tới không thống nhất, rườm rà cho chủ phương tiện.

“Từ 10 năm trước, khi bàn tới thu phí tự động không dừng, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã khuyên Việt Nam trước khi triển khai thực tế cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật toàn quốc. Giờ thị trường có nhiều công nghệ khác nhau, nên nếu không có quy chuẩn thống nhất sẽ dẫn tới khó khăn cho các đơn vị”, ông Đức nói. Theo ông Đức, dù Bộ GTVT có một bộ tiêu chuẩn, nhưng không đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất, tiêu chuẩn tối thiểu, mà có  3-4 tiêu chuẩn để các đơn vị lựa chọn, dẫn tới khác biệt.

Theo chuyên gia trên, cũng có thực tế là đã xuất hiện tình trạng chỉ 1-2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, dẫn tới độc quyền, không có lựa chọn cho nhà đầu tư BOT, nên nhiều nhà đầu tư không muốn làm. “Nhà đầu tư BOT cảm thấy không công bằng, không có lựa chọn. Họ bị ép dùng dịch vụ của 1-2 đơn vị. Ngay điều này cũng tạo ra sự không công khai, minh bạch”, TS Nguyễn Hữu Đức nói thêm. 

Từ những bất cập trên, ông Đức đề xuất, trước tiên Bộ GTVT phải ban hành bộ Quy chuẩn quốc gia về thu phí tự động không dừng. Để các nhà đầu tư dịch vụ thu phí không dừng có thể lựa chọn bất kể công nghệ nào, nhưng phải đạt các tiêu chuẩn thống nhất. Từ đó để cho bất kể ai cũng có thể đầu tư dịch vụ thu phí không dừng, theo kiểu “trăm hoa đua nở”, cùng cạnh tranh, thêm lựa chọn cho nhà đầu tư BOT. Từ đó, tăng cường tuyên truyền, bổ sung chế tài để các chủ xe, nhà đầu tư BOT cùng thực hiện.

Ngoài ra, theo chuyên gia giao thông này, hiện trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng trả phí đường bộ qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Với công nghệ này, bất kể ai trả phí cũng được, không cần thiết phải là tài khoản của chủ phương tiện. Nếu với công nghệ Việt Nam đang áp dụng hiện nay, nếu ai đó thuê xe, mượn xe của người khác, sẽ phải trả tiền phí qua tài khoản của chủ xe, quá nhiều điều bất tiện.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thu phí tự động VETC (nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng được Tổng cục Đường bộ lựa chọn) cho biết, đơn vị đã nhập toàn bộ thiết bị thu phí tự động về, nhưng còn một số vướng mắc với một số nhà đầu tư BOT đường bộ. Một số vướng mắc chưa được giải quyết là về vấn đề tiếp nhận nhân sự thu phí, do thu phí tự động sẽ phải giảm lao động. Nếu thu phí thủ công, mỗi làn sẽ có khoảng 4 người/ngày, đêm, còn thu phí tự động chỉ cần 1 người. Ngoài ra, còn vướng mắc trong bàn giao tài sản trạm thu phí, lưu lượng xe sử dụng dịch vụ còn ít, nên khó triển khai mở rộng thêm làn.

Về mức phí VETC được hưởng, mới đây Thủ tướng đã đồng ý tăng lên. Trước đó, VETC được trả theo số lượng xe sử dụng dịch vụ thu phí tự động, trong khi số xe này chưa nhiều, dẫn tới phương án tài chính chưa khả thi. Cụ thể, mỗi trạm thu phí bình quân VETC chỉ được trả 10-20 triệu đồng.

Tính tới 20/12/2018, cả nước có 680.000/2,8 triệu ô tô dán thẻ thu phí tự động. Trong đó, có khoảng 30% số xe ô tô dán thẻ nộp tiền vào tài khoản, số thực tế sử dụng khoảng 20% số xe dán thẻ.

Theo chuyên gia trên, cũng có thực tế là đã xuất hiện tình trạng chỉ 1-2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng, dẫn tới độc quyền, không có lựa chọn cho nhà đầu tư BOT, nên nhiều nhà đầu tư không muốn làm. “Nhà đầu tư BOT cảm thấy không công bằng, không có lựa chọn. Họ bị ép dùng dịch vụ của 1-2 đơn vị. Ngay điều này cũng tạo ra sự không công khai, minh bạch”, TS Nguyễn Hữu Ðức nói thêm.