Khó kiểm soát được năng lực cung ứng
Chỉ cần nhìn vào tổng giá trị gói thầu thuốc trong các năm 2014, 2015 ngót nghét hơn 7 nghìn tỷ đồng/năm, cho thấy vấn đề năng lực cung ứng của doanh nghiệp trúng thầu cần phải đặt ra.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 28/9, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM - cho rằng, hiện không thể thẩm định được năng lực của nhà thầu, không thể biết doanh nghiệp trúng thầu có khả năng cung ứng số lượng sản phẩm lớn như thế hay không.
“Đối với các lô hàng trúng thầu tập trung số lượng lớn, các chi phí liên quan vấn đề logistics - như phí lưu kho, phí vận chuyển, phí theo dõi lô hàng - hết sức lớn. Các doanh nghiệp sẽ không thể đưa các chi phí này vào, vì nếu tính đủ sẽ không thể trúng thầu do giá sản phẩm đội lên rất cao”, ông Thuận phân tích. Và hiện cả doanh nghiệp, lẫn cơ quan chức năng cũng chưa có công cụ phần mềm có thể quản lý hết được những khâu nói trên.
Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị khi trúng thầu đã phải nhiều lần dời thời điểm giao hàng cho các bệnh viện, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Một lãnh đạo bệnh viện tại TPHCM xác nhận cho đến nay, tình trạng doanh nghiệp trúng thầu tập trung giao hàng “nhát gừng” cho bệnh viện vẫn xảy ra.
Nguy hiểm từ chọn giá rẻ
Trong động thái mới nhất liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung tại TPHCM vào ngày 21/9, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã ký quyết định 4330 hủy kết quả lựa chọn nhà thầu là Liên danh Công ty TNHH TM Dược phẩm Thiên Thế - Công ty CP Dược phẩm Phương Đông đối với mặt hàng Fudophos.
Theo quyết định cũ số 3464/QĐ-SYT ngày 28/7/2015, liên danh này đã trúng thầu hơn 1,7 triệu gói thuốc Fudophos với đơn giá 3.900 đồng/gói, tổng giá trị hơn 6,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quyết định mới hủy kết quả này, thay vào đó, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Đức được chọn cho trúng thầu lô hàng trên với sản phẩm Sucra Hasan Gel có cùng hoạt chất, hàm lượng với Fudophos nhưng đơn giá chỉ 2.205 đồng/gói. Tổng giá trị lô hàng chỉ còn hơn 3,8 tỷ đồng, tức “tiết kiệm” được gần phân nửa ngân sách?
Nhưng theo ông Thuận, “tiền nào của đó”, đó là logic thông thường suy ra từ tiêu chí chọn giá rẻ. “Thuốc nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện thì chúng ta đã không thể nào kiểm soát được. Còn đa số thuốc trúng thầu là được sản xuất trong nước, nhưng nguyên liệu phải nhập khẩu. Và để có giá rẻ, 90% doanh nghiệp phải tìm nguyên liệu rẻ, từ những nguồn cung cấp rẻ”, ông nói.
Đồng quan điểm “không thể có thuốc chất lượng mà giá rẻ được”, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế thành phố - đã phát biểu thẳng thừng như thế trong buổi giám sát của Ban kinh tế ngân sách HĐND TPHCM vào cuối năm ngoái. Bà Lan cho rằng ngành dược đang tồn tại vấn đề rất lớn giữa giá và chất lượng.
“Chính vì chuyện giá rẻ này cho nên bản thân các doanh nghiệp dược trong nước cũng đấu lẫn nhau. Nói thẳng ra là đạp lẫn nhau. Mà đấu với nhau bằng cái gì? Đấu bằng chất lượng thì xa lắm, do đó phải đấu bằng giá để vào được hệ thống bệnh viện, để có thể trúng thầu”, bà Lan nói.
Mới chỉ đấu thầu bằng giá
Một khía cạnh khác, theo ông Thuận, “Thuốc không phải hàng hóa bình thường. Cùng là 2 viên thuốc trị đau bụng nhưng người này uống thuốc này mới khỏi, người kia uống thuốc kia mới dứt. Cơ địa mỗi người phản ứng khác nhau với một loại thuốc.
Bệnh nhân không sử dụng được thuốc này hoặc thuốc không đạt hiệu quả điều trị là phải đổi thuốc. Nhưng trong đấu thầu chỉ có một loại thuốc cho một bệnh lý. Nó không thể chữa hết bệnh đó cho cả triệu người”. Hơn nữa vai trò của bác sĩ là phải làm sao cho người bệnh hết bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể, chứ không phải cứng nhắc ở tiêu chí giá.
Đấu thầu thuốc hiện nay chỉ mới chỉ định giá được trên tiêu chí giá thuốc, chứ chưa tính trên tổng chi phí xã hội cho một ca bệnh gồm chi phí khám chữa bệnh, tiền công bác sĩ, nhân viên y tế, khấu hao thiết bị, thời gian nằm viện điều trị của người bệnh… Trong khi so với tổng chi phí điều trị này, tiền thuốc chỉ chiếm 10%.
“Chẳng hạn cho tôi một viên thuốc giá 100 nghìn đồng, nhưng cần phải uống 1 tuần mới hết bệnh, chi bằng uống viên thuốc có giá 1 triệu đồng/viên nhưng chỉ 1 ngày là khỏi bệnh. Vậy chi phí xã hội trong 2 trường hợp này cái nào tiết kiệm hơn?”, ông Thuận đặt câu hỏi.
Báo cáo kết quả đấu thầu thuốc tập trung từ Sở Y tế TPHCM cho thấy trong 2 năm thực hiện hình thức này, sở đã hoàn thành công tác đấu thầu 4 gói thầu thuốc và 4 gói thầu trang thiết bị. Trong đó, gói thầu thuốc theo tên Generic đạt tổng giá trị sản phẩm thuốc đề nghị trúng thầu với hơn 3.820 tỷ đồng (năm 2013-2014) và trong năm 2015 đạt hơn 3.819 tỷ đồng.
Gói thầu thuốc theo tên biệt dược ở đợt 1 (năm 2013-2014) đạt tổng giá trị sản phẩm thuốc đề nghị trúng thầu với hơn 3.270 tỷ đồng và năm 2015 đạt hơn 3.720 tỷ đồng. Với kết quả của các gói thầu thuốc, tỷ lệ chênh lệch giá trúng thầu so với kế hoạch của các mặt hàng trúng thầu đạt tương đương từ gần 15-26%. Sở này cho rằng đấu thầu tập trung đã khắc phục những hạn chế của đấu thầu riêng lẻ, vừa mang lại lợi ích về mặt xã hội vừa mang lại lợi ích về mặt kinh tế, tiết kiệm ngân sách.
Quốc Ngọc
Giám đốc BV Mắt TPHCM lên tiếng sau sai phạm đấu thầu thuốc
Sau khi Tiền Phong có bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Khuynh đảo các bệnh viện”, nói về những sai phạm trong đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Mắt TPHCM, làm số tiền mua thuốc chênh lệch hàng chục tỷ đồng, trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Trần Anh Tuấn- Giám đốc BV Mắt TPHCM cho rằng Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương tham gia đấu thầu ở các bệnh viện tại TPHCM trước với giá trúng thầu một số mặt hàng khá cao.
Tuy nhiên, sau khi trúng thầu ở TPHCM, công ty này dùng các mặt hàng thuốc đã trúng thầu vào bệnh viện TPHCM để tiếp tục tham gia đấu thầu vào BV Mắt Trung ương. Do phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nên họ hạ giá các mặt hàng từng trúng thầu tại bệnh viện TPHCM so với BV Mắt Trung ương.
“Kết quả là mình phải mua thuốc cao hơn Bệnh viện Mắt Trung ương”- Bác sĩ Tuấn nói. Nói về mua thuốc vượt 12 lần với số tiền 2,8 tỷ đồng, bác sĩ Tuấn cho biết lúc đầu dự trù mua 20 lọ với giá hơn 20 triệu đồng/lọ. Tuy nhiên, số thuốc này chỉ đủ điều trị cho 4 bệnh nhân trong khi nhu cầu điều trị quá lớn nên sau đó bệnh viện mua thêm khiến số tiền vượt cao.
Lê Nguyễn