Lấy phiếu có tác dụng cảnh báo

TP - Hôm nay (15/11), Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh chủ chốt. Trao đổi với Tiền Phong, ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng nhận định: Việc lấy phiếu có tác dụng lớn, ít nhất là có tính chất cảnh báo đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
ĐBQH Lê Như Tiến.

Ông Lê Như Tiến nói: Lần lấy phiếu này, ĐBQH đã quen hơn so với lần đầu, chủ động tiếp cận sớm hơn đối với báo cáo của các vị bộ trưởng. Các văn bản khác cũng được bổ sung rất kịp thời như kê khai tài sản, báo cáo công tác, đặc biệt là hiệu quả công việc của từng vị từ lần lấy phiếu trước đến lần này. ĐBQH cũng có thời gian kiểm chứng từ dư luận xã hội, ý kiến của cử tri và bản thân ĐB qua bộ lọc của mình để đánh giá các vị bộ trưởng như thế nào. Các ĐB tự tin hơn, có căn cứ hơn để bỏ phiếu tín nhiệm.

Có chuyển biến

Sau lần lấy phiếu trước, các vị bộ trưởng, trưởng ngành có chuyển biến gì nhiều không, thưa ông?

Tôi nhận thấy có chuyển biến thực sự, ví dụ Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chuyển biến rất rõ. Các vị bộ trưởng, trưởng ngành đã xông xáo hơn, trách nhiệm hơn, lăn lộn với công việc. Tuy nhiên, có được chuyển biến này kết hợp từ nhiều vấn đề khác như chất vấn và trả lời chất vấn, chứ không chỉ lấy phiếu tín nhiệm. Chất vấn, trả lời chất vấn cũng là một kênh để các bộ trưởng, trưởng ngành có thể thấy được điểm yếu, điểm mạnh, để sửa chữa, điều chỉnh lại chính sách, xây dựng lại hệ thống, giải pháp của mình.

Không ít ý kiến cho rằng, với 3 mức tín nhiệm, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức?

Khi chưa sửa Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì chúng ta vẫn lấy ở 3 mức tín nhiệm. Để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, tránh hình thức thì phải đợi khi chúng ta sửa Nghị quyết 35 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, lần này chúng ta vẫn lấy phiếu theo nghị quyết cũ.

Như vậy, chúng ta lấy phiếu tín nhiệm trước khi sửa Nghị quyết 35 và với 3 mức tín nhiệm đó, có ý kiến  cho rằng, đây là một giải pháp an toàn?

Tôi chưa có căn cứ để nói điều này. Nhưng sửa Nghị quyết 35 phải có quy trình chặt chẽ như một dự án luật của Quốc hội. Vả lại, đây là vấn đề liên quan đến con người, đến nhân sự cho nên phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng chứ không thể nào vội được. Vì vậy, Nghị quyết 35 phải sửa sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng tôi thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng lớn, ít nhất là có tính chất cảnh báo vì kết quả tín nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành không đồng đều như nhau. Có vị mức độ tín nhiệm cao, có vị tín nhiệm thấp hơn thì những vị có tín nhiệm ít hơn chắc chắn phải suy nghĩ, nhìn lại mình.

Lấy phiếu chỉ để thăm dò tín nhiệm

Vậy đến khi nào Quốc hội mới thực hiện việc chỉ “bỏ phiếu tín nhiệm” theo quy định của Hiến pháp mà không nhất thiết phải làm hai bước - thêm bước “lấy phiếu” như hiện nay?

Một số nước trên thế giới chỉ bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Hiến pháp cũng chỉ quy định về bỏ phiếu tín nhiệm thôi. Nhưng ở nước ta vẫn có bước chuyển tiếp là lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế, lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước của bỏ phiếu tín nhiệm để thăm dò mức độ, xem mức tín nhiệm của người đó thế nào. Còn sau bỏ phiếu tín nhiệm là hậu quả pháp lý rồi. Đây là 2 vấn đề khác nhau.  

Cảm ơn ông.