Nhiều thách thức
Đông đảo các nhà khoa học, giảng viên các đại học đại diện các cơ sở giáo dục, tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các công ty luật... có mặt tại hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.
Các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng quản lý, khai thác tài sản quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả và trong quá trình triển khai thi hành trên thực tiễn... và đề xuất các giải pháp.
Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - nhấn mạnh quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được các quốc gia chú ý và được đặt ra tại hầu hết các diễn đàn kinh tế quốc tế.
"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra cần trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm và công chúng thụ hưởng", Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nêu.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới, những cơ hội và thách thức gắn với công nghệ, kỹ thuật đặt ra như công nghệ blockchain, AI, big data… trở thành bài toán chung cho các quốc gia trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Ranh giới mờ giữa sao chép và trích dẫn
Theo thạc sĩ Trần Quang Trung - Phó trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân, tình trạng sao chép đang diễn ra một cách tùy tiện và ranh giới giữa sao chép và trích dẫn tác phẩm còn mong manh, gây ra nhiều sự nhầm lẫn.
"Một luận án dày 150 trang, nếu lấy toàn bộ 3 trang của một tác phẩm khác đưa vào thì đó là trích dẫn hay sao chép? Chúng ta cần nhận diện như thế nào là sao chép và trích dẫn. Đâu là những đặc điểm về mặt pháp lý để phân biệt", ông Trần Quang Trung nêu. Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ có nêu định nghĩa về sao chép nhưng trích dẫn thì không.
Ông Trung phân tích một tác phẩm sẽ có một bản gốc và vô vàn bản sao, nhưng vấn đề luôn là cách khai thác, sử dụng bản sao đó một cách hợp pháp theo đúng quy trình pháp luật.
"Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cụ thể về nội dung trích dẫn như thế nào hoặc sao chép bằng thiết bị gì để phục vụ cho công tác và giảng dạy, nghiên cứu. Trích dẫn và sao chép cần có giới hạn rõ ràng. Trong bối cảnh luật chưa rõ ràng, chúng ta rất khó để xử lý ai đó là vi phạm", ông Trần Quang Trung nhận định.
Nhiều chuyên gia đề xuất cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng, chưa đảm bảo tính khả thi để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả.
Các chuyên gia kiến nghị nâng cao trình độ, năng lực xét xử của thẩm phán đối với các vụ việc sở hữu trí tuệ để hiệu quả xét xử tốt hơn nữa, tránh tình trạng vụ việc kéo dài gây tốn kém cho các đương sự.
"Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ dưới các hình thức khác nhau để nâng cao hơn nữa sự nhận thức, ý thức trong cộng đồng về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của mình cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của những người khác", ông Trần Nguyên Cường - Trưởng Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam - nêu.
Theo số liệu thống kê từ liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, mức độ vi phạm về tác phẩm ngôn ngữ ở nước ta chiếm tới 85-90%. Việt Nam được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới.