Lãnh đạo Đại học Hùng Vương: 'Cứu trường vượt tầm của chúng tôi'

Trước nguy cơ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ngừng hoạt động, Đại học Hùng Vương TP HCM cho rằng không thể tự cứu mình.
Bà Tạ Thị Kiều An. Ảnh: Mạnh Tùng

Bà Tạ Thị Kiều An, Phó hiệu trưởng thường trực Đại học Hùng Vương – hôm 11/3 cho biết, việc chấm dứt hợp đồng lao động với 82 cán bộ, giảng viên đồng thời thông báo điều này với 26 trường hợp còn lại "là điều bất khả kháng".

Theo bà An, 4 năm qua số sinh viên theo học ở Đại học Hùng Vương mỗi năm một giảm. Với 50 sinh viên còn lại, nguồn thu trong năm chỉ còn hơn 325 triệu đồng trong khi bình quân mỗi tháng phải chi hơn 1,5 tỷ tiền lương, thưởng cho hơn một trăm cán bộ, giảng viên.

"Bất cứ đơn vị nào không còn nguồn thu đều phải tính đến phương án giảm nhân sự. Với số sinh viên còn lại, việc giảng dạy không còn nên phải chấm dứt hợp đồng", bà An nói và cho hay việc thỏa thuận để người lao động chuyển sang Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Đại học Hùng Vương là nhằm duy trì chế độ lương, bảo hiểm cho họ. Sau khi trường tổ chức thành công đại hội cổ đông để có Hội đồng quản trị mới, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tuyển sinh, sẽ kéo đội ngũ giảng viên này về lại trường.

Tuy nhiên, trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cảnh báo đến hết ngày 31/8 chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh sẽ cho ngưng hoạt động, bà An nói rằng: "Việc cứu được Đại học Hùng Vương không còn nằm trong tầm kiểm soát của trường nữa. Đã nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông bất thành hoặc không được công nhận kết quả, chúng tôi rất muốn Bộ Giáo dục và UBND TP HCM giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể. Khi đã bầu ra được hiệu trưởng mới thì chúng tôi sẽ không làm phiền đến các cấp quản lý".

Trụ sở Đại học Hùng Vương TPHCM trên đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Mạch Trần Huy, Phó phòng Pháp chế Đại học Hùng Vương khẳng định, toàn bộ quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Thành Tâm về việc chấm dứt hợp đồng với cán bộ, giảng viên là đúng luật do ông này vẫn là đại diện theo pháp luật của trường. Lãnh đạo nhà trường đã dành 3 ngày để gặp từng người nhằm thỏa thuận phương án. Theo đó có 79 người đồng ý, 3 người đến tuổi hưu và 26 người còn lại không đồng ý.

Trong số sinh viên còn lại có 9 em chính quy sẽ tốt nghiệp trong tháng 3. Họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định chấm dứt hợp đồng với các giảng viên có hiệu lực từ đầu tháng 4, người ký bằng tốt nghiệp là Phó hiệu trưởng Tạ Thị Kiều An.

41 học viên hệ vừa học vừa làm sẽ tốt nghiệp vào đầu tháng 6 cũng không bị ảnh hưởng do Đại học Hùng Vương sẽ ký hợp đồng lao động lại với một số giảng viên nhằm "xác lập đội ngũ nòng cốt".

Theo Theo VnExpress