Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng:

Làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông

TP - Đề cập đến sự tác động của doanh nghiệp, nhóm lợi ích tới hoạt động báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, đây là vấn đề lớn hiện nay mà vụ nước mắm nhiễm thạch tín là một ví dụ điển hình. Việc xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông.
Báo chí phải luôn giữ được lòng tin của xã hội và nhân dân. Ảnh: Hồng Vĩnh

Mong báo chí luôn giữ được lòng tin

Chiều 18/1, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, mạng xã hội phát triển với tốc độ cực lớn đang tạo ra những cơ hội cùng những thách thức vô cùng gay gắt đối với báo chí. Trước những thách thức thời cuộc, một bộ phận người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tha hóa với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau.

Nêu thực trạng một số nhà báo “ảo tưởng” về nghề nghiệp, lợi dụng nghề để vụ lợi, “đánh hội đồng”, dọa dẫm, ép doanh nghiệp… theo ông Lợi, khi người làm báo không được rèn luyện, tu dưỡng sẽ dẫn đến năng lực thẩm định, nhìn nhận vấn đề kém cỏi, dễ thỏa hiệp, phán xét hồ đồ. “Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút”, ông Lợi nói.

“Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông”.  

Trưởng ban 

Tuyên giáo Trung ương 

Võ Văn Thưởng

Ghi nhận sự đồng hành của báo chí với Chính phủ trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, báo chí là một phần không thể thiếu với Chính phủ. Ngoài những thông tin vận động nhân dân thực hiện chủ trương, các chương trình của Chính phủ, báo chí còn giúp phản biện, đóng góp xây dựng chính sách, nếu không có được điều này thì Chính phủ, bộ máy Chính phủ sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng chia sẻ về những thách thức mà báo chí đang phải đối mặt, nhất là khi phần lớn các báo không có nguồn bao cấp, phải lo toan về kinh tế, chăm lo đời sống cho cán bộ, phóng viên. Hơn nữa mạng xã hội, rồi cả báo, đài chính thống nước ngoài, trở thành thách thức rất lớn, buộc báo chí phải cạnh tranh gay gắt về thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan phải thích ứng dần với sự thay đổi, đặc biệt trong xử lý sự cố khủng hoảng truyền thông, trước sức lan tỏa của mạng xã hội. Chính phủ đã cùng Ban Tuyên giáo Trung ương bàn, thống nhất chỉ đạo tiếp tục tăng cường quản lý, nhưng ở đây không phải chỉ đơn thuần là xử lý vi phạm, mà quan trọng là tạo cho báo chí môi trường phát triển thuận lợi, lành mạnh hơn, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của từng nhà báo về vấn đề bản quyền.

“Tôi mong rằng, báo chí nước nhà sẽ luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, của xã hội và của nhân dân. Điều này vô cùng quan trọng, một khi báo chí chính thức lên tiếng, có lòng tin thì luồng thông tin sai lệch sẽ giảm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Sự đau lòng cần thiết

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, trong năm qua, mặc dù có một số vụ việc về hoạt động báo chí, nhưng nhìn chung báo chí nước nhà đã vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Hoạt động báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có những bước tiến mới. Với việc xử lý mạnh tay một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016, ông Võ Văn Thưởng cho rằng: “Xử lý báo chí trong thời gian vừa qua không ai muốn, rất đau lòng nhưng cần thiết để từng bước làm trong sạch môi trường báo chí, truyền thông”.

Nhấn mạnh đến những thách thức đối với báo chí trong năm 2017, theo ông Võ Văn Thưởng, đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự số hóa mạnh mẽ tác động toàn diện đến cách thức, phương tiện, thói quen tiếp cận và tìm kiếm thông tin của tất cả mọi người. Thực tế đó đòi hỏi đội ngũ phóng viên cần cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại; với các cơ quan báo chí đó là việc thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận phù hợp và hiệu quả với bài toán kinh tế báo chí.

Đề cập đến sự tác động của doanh nghiệp, nhóm lợi ích tới hoạt động báo chí, theo ông Thưởng, đây là vấn đề lớn hiện nay, mà vụ nước mắm nhiễm thạch tín vừa qua là một ví dụ điển hình. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đặt vấn đề: Báo chí xử xong rồi còn Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thì xử lý thế nào? Chính phủ giao Bộ Công an điều tra, kết quả ra sao, ai đứng sau vụ việc này? Cũng theo ông Thưởng, còn nhiều vụ việc lớn hơn cả vụ nước mắm nhưng không có, hay chưa đủ bằng chứng để xử lý. Một vấn đề khác, đó là những biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận nhà báo là điều đáng lo nhất hiện nay.

Theo ông Võ Văn Thưởng, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, xử lý thỏa đáng những vấn đề còn tồn tại của báo điện tử, các phụ trang báo điện tử, vấn đề bán kênh, bán sóng phát thanh – truyền hình, bán măng sét với báo in; đồng thời xem xét sự chi phối của các công ty truyền thông, quảng cáo đối với hoạt động báo chí. Ông Thưởng nhấn mạnh, việc này khó, mất thời gian nhưng không thể không làm.