Lạm thu: Lỗi của ngành giáo dục

TP -  Chuyên đề về giáo dục, văn hóa xã hội bỗng nóng lên bởi những ý kiến tranh luận giữa lãnh đạo Sở Tài chính và lãnh đạo một số quận, huyện.
Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng quy định thu chi trong các trường

> Cần phân loại các trường đại học
> Có ngành học chỉ một hay ba giảng viên

Đó là không khí vào cuối giờ chiều 3-11, hội nghị giao ban giữa UBND TP Hà Nội với 29 quận, huyện.

Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng quy định thu chi trong các trường.
 

Không được thu ngoài quy định

Sau khi đại diện các Sở liên quan báo cáo tóm tắt một số vấn đề trọng điểm cần giải quyết trong quý IV/2011, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) yêu cầu các đại biểu thảo luận.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài chính nói, về các khoản thu, cơ quan quản lý nhà nước quy định thế nào chúng ta thực hiện như vậy. Trước đây các trường còn khó khăn mà vẫn không xuất hiện nhiều khoản thu. Hiện nay định mức ngân sách càng nhiều, càng xuất hiện thêm nhiều khoản thu.

“Không thể đưa ra các lý do như thu học phí thấp, nâng cao chất lượng đào tạo nên phải thu thêm. Nếu cho rằng phải thu thêm khoản nọ khoản kia mới nâng cao chất lượng đào tạo thì tiêu chí chất lượng là như thế nào? Phải có chuẩn chất lượng, căn cứ vào đó thì mới biết thu bao nhiêu để phù hợp với mức chất lượng đó”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho biết, việc thu thêm của các trường với cha mẹ học sinh là một trong 16 nội dung kết luận của cơ quan kiểm toán nhà nước họp với UBND TP Hà Nội hôm 2-11: “Cách đây 2 – 3 tuần chúng tôi cũng đã từng làm việc với họ, đã giải trình nhưng họ vẫn không đồng ý để xảy ra việc thu thêm”.

“Không thu thì giáo viên phải bỏ tiền túi ra chi”

Tuy nhiên, ông Đàm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho rằng, vấn đề thu chi trong trường học hiện nay còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, ngành GD&ĐT yêu cầu phải tổ chức học theo nhóm và các trường phải in các tài liệu phục vụ học nhóm, nhưng không ngân sách nào có thể chịu được chi phí này.

Một đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng đồng ý với ý kiến của ông Khánh. Vị đại biểu này cũng cho rằng, do yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục, đánh giá, chi phí để mua, phô tô tài liệu rất lớn nhưng ngân sách không gánh được. Nếu không thu tiền của phụ huynh, giáo viên đành phải tự bỏ tiền túi ra để phô tô đề thi trắc nghiệm phát cho từng học sinh.

Vị đại biểu này còn kể ra một số quy định bất hợp lý trong một quyết định thành phố ban hành từ năm 2000, chẳng hạn tiền học phẩm của khối mầm non là 50.000 đồng/học sinh, trong khi nhu cầu thực tế cần chi đến 150.000 đồng/ học sinh. “Chúng tôi phải cho các trường thỏa thuận để thu 150.000 đồng. Vậy việc này có gọi là lạm thu không? Nên xem xét lại vấn đề này để tránh việc ai nói cứ nói, ai làm sai cứ làm sai”- đại biểu này nói.

Lỗi do ngành giáo dục

Nhưng ngay sau các phát biểu trên, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng ý kiến của các đại biểu về vấn đề này đã sa đà vào quá tả, hoặc quá hữu. “Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, việc thu học phí theo các quyết định cũ ban hành từ cách đây 11 – 12 năm nhưng các khoản thu khác không bắt các trường thu theo mức cũ mà được thu theo thỏa thuận. Vấn đề ở chỗ các trường không thỏa thuận mà áp đặt”, bà Nga phát biểu.

Tuy nhiên, bà Nga cũng cho biết, năm nay Sở vẫn cho phép các trường thu của phụ huynh tiền nước uống do ngân sách không đủ để chi. Ngay lập tức, ông Thọ phản ứng: “Tôi không đồng ý với ý kiến này của chị Nga. Trong định mức xây dựng năm 2011 đã bổ sung cho các khoản trước đây ta thu (như hỗ trợ giáo dục tiểu học, xây dựng trường) giờ không thu nữa để chi.

Việc xây dựng định mức này ngành GD&ĐT trực tiếp tham gia, có ý kiến để thống nhất. Giờ chị Nga lại nói định mức không đủ để chi. Lúc xây dựng định mức, nếu ngành GD&ĐT nói còn thiếu khoản nước uống thì chúng tôi sẵn sàng bổ sung. Nhưng các chị lại nói là đủ và giờ lại nói rằng vì thiếu nên phải để cho các trường thu! Định mức vừa mới ban hành xong mà nói thế là không được”.

Ông Thọ cũng cho rằng các cấp quản lý cần phải xác định vai trò quản lý của mình trong vấn đề kiềm chế lạm thu: “Tại sao các trường không tổ chức đun nước sạch cho học sinh uống mà bắt học sinh mua? Không thể nói vì học sinh thích uống nước Lavie nên phải mua nước đó. Một số khoản khác nữa, tại sao nhà trường cứ phải thu? Cái bút, cuốn vở, tại sao không để cha mẹ tự đi mua mà phải nộp tiền mua ở trường”.

Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, lỗi của ngành GD&ĐT đã không tham mưu kịp thời để thành phố ra các văn bản hướng dẫn đầy đủ. “Đề nghị Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng quy định thu chi trong các trường để áp dụng trên địa bàn toàn thành phố” - bà Ngọc nói.

Theo Báo giấy