Làm rõ trách nhiệm lãng phí

TP - Vấn đề dạy nghề trên cơ sở tạo việc làm cho người dân là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, hoạt động nghề ở nhiều nơi cũng còn những hiện tượng rất đáng quan tâm.

Trên cùng một địa bàn, dù đã có nhiều trường dạy nghề, thậm chí ở trình độ cao đẳng nhưng địa phương vẫn lập dự án để xây trung tâm dạy nghề, hỗ trợ nông dân, dẫn đến tình trạng lãng phí cơ sở vật chất. Trong quá trình đi giám sát, chúng tôi thấy tình trạng này xảy ra nhiều.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí là việc quản lý Nhà nước ở nhiều khâu chưa tốt, từ khâu phê duyệt quy hoạch, bố trí vốn, phê duyệt đầu tư, đến quản lý sau khi nghiệm thu. Bởi thế nên địa phương nào có đề xuất, có quy hoạch để hình thành các trung tâm dạy nghề, hỗ trợ nông dân ở địa phương mình đều có thể được duyệt và đầu tư. 

Từ thực tế trên, phải đặt ra vấn đề trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí để tìm hướng khắc phục. Trước tiên cần rà soát lại việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các trung tâm dạy nghề để đánh giá hiệu quả đến đâu. Trên cơ sở đó làm rõ trách nhiệm quản lý ngành, trách nhiệm của địa phương trong việc để các trung tâm hoạt động không đúng mục đích, lãng phí trong hoạt động dạy nghề, trong khi nhu cầu dạy nghề và nhu cầu đào tạo nghề rất cần thiết.

Để chống lãng phí, nâng cao chất lượng thực sự chủ trương này cần phải có một quy hoạch phù hợp với nhu cầu lao động, nhu cầu nghề của từng địa phương. Bên cạnh đó cần rà soát, bố trí lại các trung tâm dạy nghề trên cùng một địa bàn, tránh tình trạng có quá nhiều các cơ sở dạy nghề, trung tâm dạy nghề gây lãng phí thực sự. Đồng thời phải siết chặt quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện các chương trình dạy nghề. Mặt khác cần làm tốt thông tin về thị trường lao động giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, từ đó có sự lựa chọn phù hợp cho riêng mình.

Luân Dũng (ghi)