Trao đổi với Tiền Phong về nguyên nhân các vụ xe “điên”, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ lo ngại trước chất lượng người cầm lái hiện nay. Theo ông Thanh, trước đây, lái xe được hiểu là một nghề chuyên nghiệp, được đào tạo trong trường trung cấp nghề. Đến nay, do khả năng có xe ô tô của người dân tăng, với yêu cầu hội nhập, đào tạo lái xe được mở rộng nhưng chất lượng đào tạo không bằng trước đây.
“Chương trình đào tạo hiện nay quá ngắn; chưa kể trong quá trình giảng dạy, các cơ sở đào tạo cắt xén nhiều để giảm chi phí, thu lời. Sát hạch cấp bằng hiện nay cũng nhiều kẽ hở, tiêu cực”, ông Thanh nói.
Ông Thanh đồng tình với quan điểm cho rằng, xe “điên” thường thuộc sở hữu của người có kinh tế khá giả. “Nam nữ có tiền cứ chạy chọt kiếm cái bằng, không học thực sự. Khi lái ra đường, họ cậy quan hệ, xin xỏ được nên cứ lái bạt mạng. Đó cũng là dạng xe điên phổ biến”, ông Thanh nói.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, người học lái và nhiều năm lái xe ở nước Anh cho rằng: Chương trình đào tạo lái xe hiện nay đã tiệm cận với thế giới nhưng cần sớm nghiên cứu tăng cường các tiết học thực hành, có các bài học ứng phó với tình huống nguy hiểm.
“Chương trình học nên có các tình huống mô phỏng nguy hiểm có thể phát sinh như: Đi vào một con phố nhỏ có trẻ nhỏ, động vật, hay quả bóng bất ngờ xuất hiện, một chiếc xe chở gỗ chênh vênh đang lên dốc... Những tình huống đó xây dựng mô hình để người lái học và kiểm tra. Với điều kiện hiện nay ta hoàn toàn làm được. Khi người học được học như vậy họ sẽ rèn kỹ năng và nhận biết, tăng ý thức với các mối nguy hiểm” - TS Minh nói.
Ông Minh cho biết, ở các nước, khâu đào tạo để thông thoáng trong quản lý nhưng quản chặt ở khâu sát hạch. “Để một người được cấp bằng lái không chỉ kiểm tra khả năng thực hành trên 2 km như hiện nay. Theo tôi, ít nhất phải thực hiện kiểm tra trong 45 phút để họ trả lời hết các chức năng điều khiển trong xe; dưới nắp ca pô có những gì và phải đánh giá khả năng lái của họ khi đi trong ngõ, trên phố đông người và trên đường cao tốc...”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, yếu tố quan trọng là tạo môi trường tham gia giao thông thật tốt nếu không sẽ tạo vòng luẩn quẩn: Đào tạo tốt nhưng khi lái lại bị “đồng hoá” bởi những người không chấp hành nghiêm luật giao thông.