Lại gặp Hàm Rồng

TP - Đã tròn 50 năm tráng ca Hàm Rồng Nam Ngạn. 20, 30, 40 rồi 45 năm, mỗi dịp lễ trọng, mồng 3, mồng 4 tháng Tư năm 1965 - ngày quân dân Hàm Rồng quật cường vít cổ 34 máy bay của không lực Hoa Kỳ, lần sau lại xôm tụ, hoành tráng hơn?
Cầu Hàm Rồng ngày nay minh chứng hùng hồn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng 50 năm trước. Ảnh: Hồng Vĩnh

Gặp là gặp lại. Mà lần gặp nào cũng chuyện này, việc nọ… Mỗi lần giỗ, mỗi dịp lễ, có vẻ thiên hạ chỉ mải mốt với những tráng ca lấp lánh như huyền thoại phía bờ Nam: chị Hằng, chị Tuyển, những Đồi C4, những làng Nam Ngạn… và dường như bẵng đi phía bờ Bắc, trong đó bao nhiêu là bi, hùng Yên Vực.

Kỳ I - Bi, hùng Yên Vực

Một ông lãnh đạo tỉnh hồi chiến tranh dõng dạc trong một cuộc họp rằng, 75 chiến sĩ trung đội dân quân Yên Vực dũng cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên cường bám đất bám làng, tất cả họ đều là dũng sĩ.

Từ phía bờ Nam, qua cầu Hàm Rồng bây giờ là cầu đúc Hoàng Long là sang bờ Bắc chạm mặt với làng Yên Vực.

Bây giờ làng Yên Vực đã là phố là phường. Phường Tào Xuyên cũng là nơi với nhộn nhịp, sầm uất các lối xây cất mới. Một tổ hợp may mặc khá lớn đặt ở Yên Vực góp mặt của trên hai mươi ngàn thợ may trẻ. Chắc hẳn là cú hích cho kinh tế xã hội Yên Vực theo chiều thuận? Mỗi tinh mơ, các bà các cô với gánh xôi bánh cuốn bún miến trứng vịt lộn đi rong quanh khu công nghiệp thực hiện cái khâu phục vụ ăn sáng cho từng ấy thợ may. Rồi nữa, sáng, chiều hàng ngàn anh chị công nhân, chủ nhân các gia đình trẻ đổ bộ vào các sạp hàng rau cỏ thịt thà, tương cà mắm muối của chợ cóc Tào Xuyên đủ thấy hệ thống dịch vụ xứ này chả phải là đìu hiu lắm?

Nửa thế kỷ trước…

Yên Vực bắt đầu từ mồng 3 mồng 4 tháng Tư là túi bom là trọng điểm đánh phá. Một tư liệu của quân sử Hoa Kỳ còn ghi, ngày 7/1/1965 trên đường sang Việt Nam, tướng Một sao Giam-mê Ri-đai, chỉ huy tàu sân bay Independence lần đầu tiên tham gia đánh phá ở Việt Nam, đã vạch ra nhiều phương án ném bom cầu Hàm Rồng rồi đắp sa bàn, luyện tập.

Biệt nhỡn quân sự của Giam-mê Ri-đai thế này “Đánh cầu phải đánh hai đầu lại, dễ trúng hơn. Chỉ khi nào gió thổi dọc cầu, mới ném bom theo chiều ngang”.

Vậy là trong cuộc chiến đánh cầu Hàm Rồng cả hai bờ đều chiến địa, đều ác liệt như nhau?

Nhận định chiến thuật của viên tướng Hoa Kỳ dường như là chia ở thì tương lai gần máu lửa và chết chóc cho cả bờ Nam và Bắc Hàm Rồng.

Bên bờ Nam có hỏa lực pháo 100, 57, 37, 14 ly 5, 12 ly 7 thì bên bờ Bắc cũng bố trí tương ứng, tất nhiên có thưa hơn chút.

Nam Ngạn có trung đội dân quân của chị Hằng thì bên bờ Bắc cũng có trung đội dân quân quyết tử. Sau này có tên là 75 dũng sĩ Yên Vực.

Ông Nguyễn Đặng Thược nguyên cán bộ trung đội dân quân Yên Vực đưa tôi đi dọc đường làng Yên Vực dẫn ra chân cầu Hàm Rồng trước trống trải quang lâng chi chít những hố bom, nay sít sịt nhà xây, khoát tay bao quát chỗ nọ chỗ kia vốn là trận địa pháo.

Chỗ tê - giọng ông Thược trầm xuống khi nói về ông cụ thân sinh. Nghe lạ và thương. Một đoàn làm phim nước ngoài đến Yên Vực. Người ta bố trí cho mấy cụ cao niên Yên Vực và các cháu thiếu nhi góp lá ngụy trang trận địa pháo. Việc vẫn thường ở nơi ác liệt này. Nhưng lần đó chỉ là diễn lại việc thường ấy cho một đoàn quay phim nước ngoài, bất đồ máy bay địch ào đến. Đoàn làm phim thoát chết nhưng cụ ông Nguyễn Đặng Tơn mất trong trận oanh tạc ấy…

Ông Thược đang hùi hụi tiếc cuốn sổ. Như ông kể, cuốn sổ ấy rất đẹp do một nhà báo Nhật đến Yên Vực tặng cho trung đội dũng sĩ. Sổ ấy trung đội ghi chép như cuốn nhật ký công việc hằng ngày chiến đấu và phục vụ chiến đấu của anh chị em trung đội. Chi tiết lắm! Sau 1975, nhiều năm hãy còn. Thế mà sau này không biết thất lạc đâu mất? 

Nhớ một đêm, ông Thược nán lại với một cán bộ trung đội pháo 100 ly từ lực lượng bảo vệ sân bay Sao Vàng mới chuyển về Yên Vực. Tên gì, ông Thược quên mất. Chỉ biết người cao ráo trắng trẻo quê ở Hà Nội. Chuyện lâu nên ông Thược biết lẽ ra anh chả phải đi bộ đội vì bố anh pháo thủ ấy hy sinh ở Điện Biên Phủ. Lại có người anh ruột đi bộ đội đã hy sinh ở Lào. Bạn bè cùng lớp 10 xung phong đi bộ đội nhiều.  Được mẹ đồng ý anh cũng xung phong…

Sáng hôm sau, như đánh hơi được lực lượng bổ sung cho Yên Vực hay sao mà lũ F4, F105 nhiều tầng nhiều hướng đánh rát Yên Vực. 2 chiếc F4 cháy nhưng mấy khẩu đội của đơn vị pháo mới chuyển về hồi đêm gần như bị xóa sổ. Ông Thược và các chiến sĩ trong trung đội dân quân dũng sĩ Yên Vực nhanh chóng bắt tay vào công tác thương binh tử sĩ như mọi bận xảy ra chiến sự. 24 chiến sĩ pháo cao xạ hy sinh người may còn nguyên vẹn thì nằm bặt như ngủ. Trong số nằm như ngủ ấy có anh cán bộ trung đội người Hà Nội đêm qua còn chuyện trò với ông.

Hằng năm, cứ đến ngày kỷ niệm 3/4 các dũng sĩ năm xưa lại hội tụ về làng Yên Vực. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trận ấy trung đội dũng sĩ Yên Vực mất em Lê Thị Hoàn, khi đó chưa được 17 tuổi, nhưng cứ xung phong vào trung đội dân quân. Hoàn cùng số nữ dân quân trung đội tiếp đạn tiếp nước cho các khẩu đội. Một mảnh bom găm vào người Hoàn. Trên tay cô còn giữ chặt chiếc ca của Nhà máy sắt tráng men Hải Phòng đựng nước chè của dân quân Yên Vực nấu.

Trong số cựu binh dân quân Yên Vực, bữa nay không có chị Nguyễn Thị Hiền…

Chắc bạn đọc từng làm quen với tấm ảnh Đi trực chiến của phóng viên báo Tiền Phong Mai Nam chụp cô nữ dân quân làng Yên Vực Nguyễn Thị Hiền năm 1966. Bức ảnh ấy đã đưa cô dân quân làng Yên Vực là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam kiên cường duyên dáng trong cuộc chiến tranh vệ quốc đi khắp thế giới bằng những lần đoạt Giải ảnh quốc tế.

Đi đối ngoại bằng ảnh là thế, còn ở Yên Vực suốt 8 năm chiến tranh ác liệt, cô dân quân Nguyễn Thị Hiền đã trực tiếp và tham gia phục vụ gần 400 trận đánh lớn nhỏ. May thoát chết, nhưng vết thương thời trận mạc đã để lại nhiều di chứng ác hiểm. Nguyễn Thị Hiền đã được hướng dẫn làm những thủ tục cần thiết để xét phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT.

Thế nhưng, liên tiếp những trục trặc. Người ta căn cứ vào cả lời đồn vu vơ vớ vẩn nhưng không kém hiểm ác là Nguyễn Thị Hiền có quan hệ bất chính!?

Lời đồn ấy sau này bị bác bỏ, nhưng rồi việc phong tặng vẫn bị xếp xó.

 Dịp 45 năm kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng trên phương tiện truyền thông có nhiều bài viết về Nguyễn Thị Hiền, cả việc phong tặng bị trục trặc. Trong đó có bài Lỡ một thời anh hùng của người viết bài này. 

Dư luận hy vọng thời gian tới việc sẽ được xét đến nhất là dịp kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Nhưng đến thời điểm này vẫn lặng không? 

Ông Thược giới thiệu với tôi một bà có khuôn mặt u ẩn… Từ lúc gặp đến giờ ngồi giữa các cựu ông bà dân quân Yên Vực nhưng chả thấy nói gì. Thật chả dễ dàng khi gợi lại một quá vãng buồn… Bà là Nguyễn Thị Thuyền sinh năm 1946, xung phong vào trung đội dân quân Yên Vực từ những ngày đầu, tham gia nhiều trận đánh ác liệt và phục vụ chiến đấu. Bà có 2 người anh ruột là liệt sĩ chống Mỹ. Trong số dân quân Yên Vực nhận nhiệm vụ vừa giúp dân sơ tán vừa xây dựng kinh tế ở xã Định Tân, huyện Yên Định.

Hoàn thành nhiệm vụ ở Định Tân, năm 1968 chị Thuyền xung phong đi TNXP. Suốt từ năm 1968 đến năm 1973, đơn vị chị trụ ở những trọng điểm ác liệt ở khu vực đường 16 từ Ngã tư Thạch Bàn, Quảng Bình đến Sê Băng Hiên, Lào. Hoàn thành nhiệm vụ chị lại về quê Yên Vực. Và từ bấy đến nay bà Thuyền vẫn ở một mình… Hiện bà đang ở nhờ nhà một người cháu. Cùng tuổi, cùng hoàn cảnh không chồng con, không mái ấm gia đình như bà Thuyền còn có một nữ dân quân khác của làng Yên Vực. Đó là bà Lê Thị Phớt. Bà mất bệnh năm ngoái.    

Nếu như xôm tụ bên bờ Nam hệ thống tượng đài miếu mạo, thứ tôn vinh, thứ nhắc nhở thuở máu và hoa  suốt 8 năm chiến tranh phá hoại… thì bên Yên Vực, hơi bị lạ, là trống trơn không một đài bia gì ghi dấu tích một địa danh Yên Vực bi hùng?

 Trung đội dân quân, ngày ấy là 75 dũng sĩ Yên Vực mỗi năm mỗi vắng. Dịp kỷ niệm 40 năm còn 46 người. 45 năm còn 44. Dịp 50 năm này còn 41 ông bà.

Mà mỗi lần tụ gặp như thế biết ngồi ở đâu? May mà sau dịp 45 năm, một đơn vị của ngành Dầu khí khi nghe báo chí phàn nàn đã ủng hộ cho các dũng sĩ Yên Vực một ngôi nhà truyền thống tàm tạm…

Và nữa, cái tên Dũng sĩ dân quân Yên Vực, qua tìm hiểu được biết một ông lãnh đạo tỉnh hồi chiến tranh đã dõng dạc trong một cuộc họp rằng 75 chiến sĩ trung đội dân quân Yên Vực từng dũng cảm trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên cường bám đất bám làng tất cả họ đều là dũng sĩ!

Sau tràng vỗ tay như sấm ấy danh xưng Dũng sĩ Yên Vực là câu cửa miệng trân trọng quen thuộc cả trên báo chí thời ấy!

Nhưng sau đó là bặt tăm không một chứng chỉ của bất kỳ một cấp nào? Và cũng chẳng có chế độ khen thưởng hay quyền lợi gì?

Hay là gắng đợi dịp một hoa giáp (60 năm) của Hàm Rồng?

(Còn nữa)

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, giới quân sự Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là “điểm tấn công lý tưởng” nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì vậy chỉ trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1 km2 này. Và, trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày ấy trở thành dấu son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày chống trả không lực Hoa Kỳ của cả dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 2 ngày đi vào lịch sử ấy, lưới lửa phòng không của quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, lập nên chiến công vô cùng hiển hách.