Hành trình còn dài
“Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Google”, câu nói lan truyền lâu nay một lần nữa được nhắc đến. Nhà sử học Lê Văn Lan, ngồi ghế chủ tọa cho rằng người giỏi là không cần phải viện tới Google. Trong khi ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho rằng giới trẻ cần đọc sách lịch sử không phải để nhớ, mà để nhìn về quá khứ, tìm bài học. “Không có gì lãi bằng học sự thành công, thất bại của người khác qua những trang sách, những câu chuyện lịch sử”, ông Bình nói.
Gần đây các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về thực trạng giới trẻ thờ ơ với môn Sử, chủ yếu do cách dạy học khô cứng. Không ít người nêu ý kiến “văn hóa đọc của người Việt còn ít tinh hoa”. Bên cạnh tủ sách tinh hoa nhân loại, độc giả trong nước cũng ngóng chờ tủ sách lịch sử. Góc nhìn sử Việt ra đời trong hoàn cảnh đó. Một trong những cách để thu hút các bạn trẻ yêu lịch sử là làm ra “bộ sách hấp dẫn và bán chạy”. Trong số hơn 40 cuốn của Góc nhìn sử Việt có một số cuốn đạt được cả hai tiêu chí như Bóng nước hồ Gươm.
Dự định của những người làm sách ở Alpha Books là xuất bản 100 cuốn sách về lịch sử trong 3 năm, sau một nửa chặng đường có được 41 cuốn. Trước câu hỏi của bạn đọc về quá trình xây dựng bộ sách này, ông Cảnh Bình thẳng thắn chưa thể gọi là thành công và tin hành trình còn kéo dài, không chỉ riêng Góc nhìn sử Việt mà sau này còn những bạn trẻ, những nhà làm sách khác tiếp nối.
“Bản thân tôi vượt qua những cản trở, khó khăn, lời can gián rằng không làm được đâu”, ông Bình nói thêm. Tủ sách này được nhiều người khen ngợi, dù vậy những người làm sách cũng phải thừa nhận những điều chưa làm được luôn lớn hơn. Một số sai sót về câu chữ, trình bày nhưng điều quan trọng là “bộ sách cần phải đóng góp vào sự trưởng thành, những bài học cho các bạn trẻ bên cạnh ý nghĩa của những cuốn sách bán chạy”.
Giúp người trẻ có hiểu biết, trách nhiệm
Trả lời câu hỏi một độc giả về nét nổi bật của bộ Góc nhìn sử Việt, nhà sử học Lê Văn Lan nói ông đọc được hơn một nửa trong số 40 cuốn và nhận thấy “hầu hết những quyển sách đưa vào được sáng tạo từ một thời đã xa đều thuộc loại quý hiếm”. Nhiều cuốn sách trong số này được sưu tầm, hiệu đính và tái bản, phần lớn đều do những học giả uyên bác, tâm huyết ở miền Nam xuất bản trong thời kỳ đất nước khó khăn. Không làm sách văn học, nên những người làm sách Alpha Books khi làm sách lịch sử, sách kinh doanh “muốn làm những cuốn hữu ích cho độc giả, không chỉ là những câu chuyện khô khan mà thú vị, gắn với con người”. “Góc nhìn sử Việt giúp các bạn trở thành công dân có hiểu biết, trách nhiệm với đất nước, tự tin với dân tộc”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói. Một trong những lí do để cuốn Xứ Đông Dương bởi Paul Doumer khen ngợi người An Nam trong khi chúng ta nhiều khi khá tự ti.
Nhìn không khí giao lưu khá say sưa của giới trẻ sẽ nhận thấy nhu cầu tìm hiểu lịch sử một cách nghiêm túc không nhỏ. Thậm chí khi thời gian giao lưu hết, MC đề nghị câu hỏi cuối cùng vẫn nhiều cánh tay giơ lên. Không chỉ quan tâm đến sách lịch sử, nhiều độc giả đặt câu hỏi cụ thể như bí quyết học tốt môn Sử. “Câu hỏi rất hay nhưng khó lắm, chúng tôi đưa thành đề tài vào những cuộc hội thảo rất căng thẳng”, nhà sử học Lê Văn Lan nói. Ông nói đến một loạt giải pháp về cải tổ chương trình, thay đổi sách giáo khoa, đào tạo lại giáo viên và cuộc cách mạng thi cử. Trong khi ông Nguyễn Cảnh Bình, người được giới thiệu học giỏi môn Sử tiết lộ do “may mắn có trí nhớ tốt” và không thể phủ nhận nhờ ông nội và bố đưa ra những cuốn sách lịch sử “mà ở đó tôi tìm thấy niềm vui”.
Với tư cách người đi trước, người nghiên cứu sử học, ông Lê Văn Lan khuyên các bạn trẻ nên xây dựng tủ sách cho gia đình, cá nhân. “Tôi gây dựng tủ sách từ 60 năm nay, nhiều cuốn giúp tôi nên người nên nghiệp đều có mặt trong Góc nhìn sử Việt. Tôi chắc chắn khi tôi về cõi vĩnh hằng để lại cho con cháu di sản”, nhà sử học Lê Văn Lan nói.