Thầm lặng đưa tin, dẫn lối
Khoảng 9 giờ kém, ngày 16/12/2014, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn ở Công ty Điện lực Lâm Đồng: “Sập hầm thủy điện Đạ Dâng, 11 người bị vùi lấp” (thực chất là 12, nhưng nguồn tin thời điểm đó cho biết có 11 nạn nhân). Tin nhắn như một luồng điện chạy qua người khiến tôi bật dậy và lập tức bốc điện thoại gọi cho Thiên Phương, chủ nhân tin nhắn, để kiểm chứng lại thông tin.
Vào thời điểm đó, phóng viên thường trú của báo Tiền Phong tại Lâm Đồng đang đi về một huyện xa lấy tư liệu viết báo xuân nên không kịp có mặt tại hiện trường để tác nghiệp. Vì sự cố xảy ra ở một vùng sâu, thông tin không nhiều nên lúc đầu các báo đều chưa đánh giá được tầm mức nghiêm trọng của sự kiện, thậm chí chưa có ý định tăng cường phóng viên đến hiện trường. Nhưng rồi tình hình trở nên nghiêm trọng, mạng sống của các nạn nhân ngày càng mong manh, trong khi việc giải cứu chưa biết đến khi nào có thể thực hiện được.
Khi đánh giá lại tình hình, Tòa soạn đã quyết định tăng cường phóng viên đến hiện trường. Từ Hà Nội, phóng viên Lê Hữu Việt được điều vào Đạ Dâng sáng hôm sau. Trưa 18/12, tôi cũng được lệnh lên đường đến Đạ Dâng, nhưng từ TPHCM đi Đà Lạt trong ngày chỉ còn mỗi chuyến bay vào lúc 17 giờ. Đặt vé xong, tôi gọi nhờ Thiên Phương chuẩn bị giúp xe cộ và sắp xếp một số thứ để khi xuống sân bay là vào thẳng hiện trường và tác nghiệp ngay với điều kiện tốt nhất có thể.
Khoảng 18giờ 20 phút tôi đặt chân xuống sân bay Liên Khương. Gió phần phật, mưa lất phất. Chiếc ôtô 4 chỗ của Công ty Điện lực Lâm Đồng đợi sẵn trước cửa và đưa tôi tiến thẳng về Đạ Dâng.
Gần 21 giờ đêm xe dừng trước một khúc cua giữa dốc, trước mặt là những bóng đèn sáng rực một góc rừng, quanh đó ngổn ngang xe cộ, máy móc, lều trại, người người hối hả chạy ngược xuôi… “Đến nơi rồi!”, anh tài xế thông báo. Tôi vội vàng tìm gặp một người mà Thiên Phương đã gửi gắm từ trước.
-Tôi là Quảng. Người đàn ông phong trần, bụi bặm, đầu đội mũ bảo hộ có gắn logo ngành Điện, chìa bàn tay rắn chắc về phía tôi. Anh bảo chờ một lúc để anh chuẩn bị những thứ cần thiết rồi đưa tôi vào hầm, nơi đang xảy ra sự cố để tác nghiệp. Lúc này tôi mới hiểu Thiên Phương đã chuẩn bị chu đáo hơn những gì tôi mong đợi.
Đêm ấy Tiền Phong là tờ báo duy nhất có phóng viên được vào tận hiện trường trong sự “ghen tị” của nhiều đồng nghiệp. Tác nghiệp xong, Quảng nổ máy xe, bật wifi để chúng tôi gửi tin bài. Cũng nhờ thế, những thông tin, hình ảnh cận cảnh, nóng hổi tại hiện trường giải cứu nạn nhân trong đêm được truyền về Tòa soạn và đến với bạn đọc thông qua các ấn phẩm của báo Tiền Phong trong thời gian sớm nhất.
Đêm ấy Tiền Phong là tờ báo duy nhất có phóng viên được vào tận hiện trường trong sự “ghen tị” của nhiều đồng nghiệp.
Đêm hôm sau, 19/12, khi các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm và nạn nhân cuối cùng được đưa đến bệnh viện, kết thúc việc giải cứu. Quảng dùng xe bán tải bụi bặm của mình chở tôi và Lê Hữu Việt về thành phố Đà Lạt. Anh chọn khách sạn có mạng intenet tốt nhất, nằm gần bờ hồ Xuân Hương để hai chúng tôi thuận lợi trong việc gửi bài ảnh cho kịp số báo hôm sau. Khi xong việc, đã quá nửa đêm và bữa tối hôm ấy của chúng tôi diễn ra vào… rạng sáng hôm sau.
Người hùng Đạ Dâng
Sáng 13/10/2020, tôi bàng hoàng khi hay tin đại tá Nguyễn Hữu Hùng hy sinh trong khi cùng đồng đội tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích tại thủy điện Rào Trăng trong cơn mưa lũ. Kỷ niệm với “Người hùng Đạ Dâng” Nguyễn Hữu Hùng ùa về…
Lại chuyện Đạ Dâng. Thời điểm ấy đại tá Nguyễn Hữu Hùng, người trực tiếp chỉ huy lực lượng đào hầm cứu nạn tại hiện trường đã tạo điều kiện tối đa cho chúng tôi tác nghiệp. Thậm chí, anh còn cho tôi chui hẳn vào hầm phụ kích thước chỉ đủ hai người trong tư thế ngồi hoặc cúi lom khom đào đất, để chụp ảnh.
Đại tá Hùng cho biết, cùng lúc lực lượng cứu nạn mở hai đường hầm phụ. Hầm phụ bên phải do Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản thực hiện. Hầm phụ bên trái do công binh thực hiện, đào xuyên thẳng qua đống đất đá bị sập xuống theo phương pháp “đào hầm trong cát”, tức đào đến đâu chống đỡ đến đó để đảm bảo an toàn cho người thi công. Đây là kinh nghiệm của quân đội từ trong chiến tranh, được các thế hệ công binh đi sau kế thừa, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc sống.
Trước đó, chiều 18/12, sự cố đã bước sang ngày thứ ba nhưng việc triển khai các phương án đào hầm, tiếp cận vị trí nhóm công nhân mắc kẹt gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, phương án giải cứu duy nhất là đào đường hầm đi vòng qua điểm sạt lở và Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản đang thực hiện. Phương án này được nhiều người đồng tình vì đào vào nền đất cứng, tránh được rủi ro sập hầm nên an toàn hơn cho lực lượng cứu nạn. Song để tiếp cận được các nạn nhân, cần ít nhất 3 ngày. Như vậy quá lâu!
Đại tá Hùng đề xuất cho đào đường hầm phụ bên trái, xuyên thẳng qua khối đất đá sạt lở. Lực lượng công binh sẽ huy động chiến sĩ tinh nhuệ nhất, đào liên tục ngày đêm theo phương pháp "đào hầm trong cát", tạo một lối thông qua khối bùn đất nhão, đảm bảo nhanh tiếp cận nạn nhân hơn đào theo đường vòng. Đại tá Hùng khẳng định có rủi ro, nhưng sẽ tăng cơ hội giải cứu nạn nhân ở mức cao nhất. Hơn 100 chiến sĩ công binh tinh nhuệ được huy động để thực hiện phương án của đại tá Hùng và sau 24 giờ không ngừng nghỉ họ đã đưa được tất cả nạn nhân từ cõi chết trở về. Biệt danh “Người hùng Đạ Dâng” của đại tá Nguyễn Hữu Hùng bắt đầu từ đó.
Xong việc, tôi gọi cảm ơn đại tá Hùng. Anh cũng không quên cảm ơn tôi vì đã kịp thời có mặt ghi lại những khoảnh khắc quý giá về người lính công binh trong lúc nước sôi lửa bỏng và anh ngỏ ý muốn xin những bức ảnh này làm tư liệu. “Để trưng bày trong Bảo tàng Công binh”- đại tá Hùng cho biết. Tôi đồng ý ngay và chọn lọc 55 bức ảnh đẹp nhất gửi tặng anh. Anh còn hẹn tôi, có dịp ra Hà Nội đến chỗ anh chơi và cùng xem lại những bức ảnh quý giá về sự kiện Đạ Dâng. Tôi nhận lời nhưng chưa kịp thực hiện thì “Người hùng Đạ Dâng” đã ra đi, để nhiều tiếc thương cho người ở lại.
Đúng 6 năm sau, một cách rất tình cờ, ngày 18/12/2020 tôi có chuyến công tác tại Đà Lạt. Biết tôi lên, tối ấy Quảng đang có việc riêng ở cách trung tâm thành phố hơn 10 km nhưng anh đã vội đội mưa về để gặp nhau. Thiên Phương, Quảng và tôi cùng ôn lại kỷ niệm đáng nhớ về sự cố Đạ Dâng.