Ký túc xá, nhà trọ 'ổ chuột' ám ảnh sinh viên

Nơi ở mất vệ sinh, nhiều chuột, cướp giật thường xuyên… khiến nhiều sinh viên mếu khóc gọi đó là 'khu ổ chuột'.

Ký túc xá, nhà trọ 'ổ chuột' ám ảnh sinh viên

> Mới có 20% sinh viên được ở ký túc xá
> Ký túc xá độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Nơi ở mất vệ sinh, nhiều chuột, cướp giật thường xuyên… khiến nhiều sinh viên mếu khóc gọi đó là 'khu ổ chuột'.

Ký túc xá 'ổ chuột'

Đó là cái tên gọi mà nhiều sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền dành cho ký túc xá (KTX) trường mình. Không ít sinh viên “ớn lạnh” khi phải sống trong một khu tập thể có cơ vật chất tồi tàn và đang xuống cấp một cách nghiêm trọng.

KTX Học viện Báo chí Tuyên truyền xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Petro Times.

KTX của trường vẫn còn những dãy nhà cấp 4 như E1, E7, E8 được lợp bằng tấm lợp prôxi măng. Nhiều sinh viên cho biết, vào mùa hè ở đây rất nóng bức ngột ngạt trong khi mùa đông lại ẩm thấp rét mướt.

Hệ thống thoát nước đặc biệt kém, cống rãnh thường xuyên bốc mùi nhất là vào những ngày nắng nóng. Đó là chưa kể đây còn là nơi chuột, gián, muỗi... cư ngụ và hoành hành.

Sinh viên phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt chung kém vệ sinh. Ảnh: Petro Times.

Mỗi phòng ở đây chỉ rộng khoảng 13 mét vuông. Trần nhà úa vàng, bong tróc, cong vênh, có nhiều lỗ thủng lớn. Phòng thiếu ánh sáng, ngột ngạt gây khó khăn cho việc học. Hai dãy nhà E7, E8 chung nhau bể nước, bốn nhà vệ sinh và hai nhà tắm. Sinh viên còn phải sử dụng nguồn nước chung này trong việc nấu ăn, tắm giặt.

Thông tin Ban quản lý KTX Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ xây lại các khu nhà cấp 4 và nhà vệ sinh chung được đề cập từ những năm trước, nhưng đến nay KTX vẫn trong tình trạng kém chất lượng.

Ký túc xá mất vệ sinh

Vào tháng 9/2012, KTX Đống Đa khiến nhiều sinh viên Huế té ngửa bởi sự mất vệ sinh và độ an toàn kém.

Phòng ốc nhếch nhác của KTX Đống Đa, Huế. Ảnh: VTC.

Mỗi phòng của ký túc xá chỉ rộng 25m2 nhưng có đến 14 sinh viên phải chen chúc. Cảnh tượng lộn xộn với rất nhiều đồ đạc, lại ẩm mốc, thiếu ánh sáng. Giường gỗ mục nát, sân chơi của ký túc lại là nơi trưng dụng để phế liệu.

Lối đi với những rãnh nước bẩn thỉu. Ảnh: VTC.

Hệ thống phòng ốc ở đây cũng bị xuống cấp khi nền nhà rêu phủ kín. Hệ thống điện chắp nối khiến nguy cơ cháy nổ xảy ra rất cao. Nhà vệ sinh và phòng nấu ăn nằm gần nhau. Đêm đến, bếp là nơi để lũ chuột mặc sức tung hoành. Hành lang trở thành cống rãnh, cơm thừa, nước thải chảy lênh láng ra ngoài...

Hiện nay, ĐH Huế có tổng cộng 4 KTX hoạt động gồm: Tây Lộc, Đội Cung, Đống Đa, Trường Bia. Trong đó, KTX Trường Bia là nơi có thể bố trí 1.000 chỗ ở cho sinh viên. KTX này vừa xây thêm 5 khu nhà 5 tầng hiện đại và khép kín với khoảng 2.500 chỗ ở.

Sống chung với chuột

Tình trạng này được nhiều sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, CĐ Truyền hình... kể lại. Một số bạn tường thuật: Việc chuột ngang nhiên chạy trước mặt là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Chuột oanh tạc trong phòng khiến nhiều sinh viên phải lật tung đồ đạc để đuổi bắt. Ảnh: VTC.

Có bạn kể: Tối đang ngủ thì thấy tay nhói đau, bật điện dậy thì phát hiện tay bị chuột cắn nham nhở. Những đôi giày lâu ngày không đi thì bị biến thành "nhà ở" cho ổ chuột con.

Q. Hiệp, ĐH Ngân hàng Hà Nội từng chia sẻ: "Ban ngày mà chúng cứ thản nhiên đi lại. Cái gì cũng xơi từ sách vở, quần áo, dây điện, dây Internet...".

Thu Hà, Cao đẳng Truyền hình bị ám ảnh: "Chỉ về quê hai ngày lên mà đống chăn mền bị lũ chuột tô điểm thêm cho vài lỗ. Chuột thì cứ ngang nhiên chạy trong phòng khiến mình rụng rời hết cả người".

Một khu nhà trọ sinh viên ngập nước vào mùa mưa. Ảnh: Tiền Phong.

Không chỉ có KTX mà ở các dãy trọ sinh viên thì việc sống chung với chuột đã trở nên quen thuộc. "Những lần mưa xuống là nhà trọ ngập nước. Mỗi lần như thế là chuột từ các cống rãnh thoát nước mò lên, tới tối lại chui vào khiến cả phòng rục rịch cả đêm vì rượt bắt", B. Ngọc, Học viện Y học cổ truyền Hà Nội nói.

Tình trạng này khiến cuộc sống của sinh viên bị đảo lộn. Không những sống trong tâm trạng lo sợ mà nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do chuột mang lại cũng rất cao.

Phòng trọ xuống cấp với giá cắt cổ

Đó là thực trạng mà nhiều sinh viên ở làng Đại học Thủ Đức, TP HCM phải chịu trong nhiều năm qua.

Khu vực này tập trung một lượng lớn các trường đại học với lượng sinh viên đông đảo. Chính vì lẽ đó mà nhu cầu tìm nhà ở hằng năm, nhất là vào mùa khai giảng năm học mới luôn nóng.

Lối vào khu nhà trọ đầy rác thải. Ảnh: Infonet.

Nắm bắt được tâm lý đó, rất nhiều người đã dựng nhà trọ, dọn phòng trống của gia đình làm phòng trọ cho thuê. Tuy nhiên, phần lớn khu vực này đều thuộc diện cần giải tỏa nên các khu nhà trọ đều được dựng lên tạm bợ. Đó là chưa kể đến chuyện "ém phòng" chờ thời điểm hay nâng giá cắt cổ cả tiền phòng và tiền điện nước liên tục.

Trong căn phòng rộng chỉ mười mấy mét vuông nhưng có đến 5 - 6 sinh viên sống chung. Có nhiều khu trọ gần các quán cà phê, quán ăn nên thường xuyên xảy ra cảnh tượng nhếch nhác, chen chúc đến ngộp thở. Đó là chưa kể đến tình cảnh sinh hoạt khi phải xài nước chung, nhà vệ sinh chung rất bất tiện và mất vệ sinh do ý thức kém.

Đồ đạc ngổn ngang, mất vệ sinh, thiếu an toàn. Ảnh minh họa từ Internet.

Cùng với chất lượng phòng trọ xuống cấp nghiêm trọng, độ an toàn của các khu vực nhà trọ này cũng không được đảm bảo. Tình trạng trộm cướp, hãm hiếp thậm chí giết người vẫn xảy ra quanh khu vực này.

Theo Xuân Tân
ione

Theo Đăng lại