TPO - Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 tháng Giêng, người dân nhiều nơi lại nô nức về chợ Âm dương ở làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm.
Từ năm 2022, tỉnh Bắc Ninh phục dựng lại chợ Âm dương. Bên cạnh ý nghĩa “mua may bán rủi” mang tính thương mại, phiên chợ Âm dương còn mang ý nghĩa tâm linh.
Người dân hào hứng đi chợ Âm dương từ tối đến đêm. Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã kịch chiến với quân của Hai Bà Trưng. Nhiều binh sĩ đã hy sinh ở trận chiến.
Sau trận chiến, thân nhân của những người lính tử trận đã về chiến trường tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết. Họ đến chiến trường để thắp hương và đốt vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm dương.
Về đêm, chợ Âm dương càng đông người.
Chợ họp ở địa phận làng Ó (nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Trong chợ có nhiều hàng bán vàng mã, hương, nến, cau, trầu...
Đi chợ, người mua không mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm điều thiện.
Người đi chợ Âm dương đốt vàng mã cho người thân đã mất
Nhiều người đi chợ Âm dương mua gà đen
Sau khi tan chợ, du khách được mời uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.