Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khai mạc mùng 5 Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo UBND quận Đống Đa, Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay diễn ra từ 6h đến 16h ngày 26/1 (mùng 5 Tết Quý Mão) bao gồm cả phần lễ và phần hội.

Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

Khác với năm 2022 Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chỉ tổ chức phần lễ do dịch COVID-19, năm nay lễ hội tổ chức cả phần lễ và phần hội.

Phần lễ bao gồm lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương. Lễ rước kiệu từ 6-8 giờ.

Sau chương trình đón tiếp đại biểu, biểu diễn nghệ thuật, từ 10h30 bắt đầu phần hội với các hoạt động: Văn nghệ truyền thống, cờ người, cờ tướng...

Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khai mạc mùng 5 Tết ảnh 1

Lễ hội kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa khai mạc mùng 5 Tết.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam kéo dài suốt 2 thế kỷ.

Năm Kỷ Dậu 1789 cũng là năm đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động có kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn cứu hộ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ…, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự, từ đó định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản cho hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian bài bản, chuyên nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

“Di tích gò Đống Đa là điểm đến rất ý nghĩa, nhưng chỉ thu hút du khách vào dịp lễ hội, những ngày sau thường rất vắng vẻ. Địa phương cần chú ý xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục di sản tại di tích thêm hấp dẫn, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn gợi ý.

MỚI - NÓNG