Kinh tế Việt Nam ra sao sau 20 năm nữa?

TPO - Sáng nay (23/2), báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" đã được công bố.

Báo cáo do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Những người thực hiện đưa ra 4 phương án về kinh tế Việt Nam sau 20 năm nữa, tương ứng với các kịch bản tăng trưởng. Nếu tốc độ tăng trưởng 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), GDP theo đầu người sẽ đạt 15.000 USD vào năm 2035, và đạt 18.000 USD vào năm 2040.

Nếu tốc độ tăng trưởng đạt 6%/năm, GDP đầu người sẽ đạt 18.000 USD vào năm 2035 (tương đương Brazinl năm 2014).

Nếu tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu khát vọng của Việt Nam), 20 năm nữa GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD (tương đương Hàn Quốc năm 2002, Malaysia năm 2013).

Tuy nhiên, nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm, tới 2035 Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan, Brazil hay Ai Cập hiện nay (tụt hậu 20 năm).

Nhưng Việt Nam phải làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng đó? Theo các chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện 6 đột phá: Xây dựng thể chế hiện đại; Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hòa nhập xã hội; Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu; Chuyển dịch không gian phát triển.

Sáu đột phá trên là cơ sở cho hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035. Mục tiêu đó nằm trong 3 trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng 2035, lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột nêu trên.

“Nếu không thực hiện được những cải cách đó, Việt Nam không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”, báo cáo nhận định.