Sóng gió “trượt” giải
Không có mùa xét giải thưởng, danh hiệu nào thiếu vắng đơn thư khiếu nại. Giới điện ảnh đang được phen xôn xao khi đạo diễn NSND Trần Văn Thủy “trượt” khỏi danh sách đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bộ nhận được 9 đơn thư thắc mắc trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, văn học đề nghị các hội đồng chuyên ngành nhà nước xem xét lại hồ sơ.
Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước nhận được 331 hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt này. Sau phiên làm việc và bỏ phiếu đã loại 83 hồ sơ ở cả hai giải thưởng. Giải thưởng Hồ Chí Minh bớt đi 9 hồ sơ, Giải thưởng Nhà nước bớt 74 hồ sơ trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước xem xét. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước là khâu thứ hai trong quy trình xét giải thưởng. Khâu thứ nhất ở Hội đồng cấp cơ sở lâu nay khiến dư luận lo ngại về tính chuyên nghiệp, thành ra số lượng hồ sơ rơi rụng sau khi rời tay Hội đồng cấp cơ sở không còn là chuyện lạ.
Ông Phùng Huy Cẩn nói, việc thành lập Hội đồng cấp cơ sở được quy định cụ thể trong các Nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trên thực tế, các hội chuyên ngành VHNT ở những thành phố lớn, nơi tập trung nhiều nhân tài và điều kiện đầy đủ thì nhiều địa phương khó tìm ra người đáp ứng yêu cầu ngồi ghế Hội đồng ở cấp cơ sở. Đồng quan điểm, ông Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng điều này cũng tác động không nhỏ đến việc xét duyệt các hồ sơ đưa lên các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước. Qua nhiều mùa xét giải thưởng và danh hiệu, Bộ nhiều lần nhắc tới bài toán nâng cao chất lượng hội đồng cơ sở để tránh tình trạng đề xuất nhiều hồ sơ chưa đáp ứng tiêu chuẩn.
Không cố khoác tấm áo rộng
Một số tác giả, tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT gần đây khiến giới văn nghệ sĩ, công chúng có cảm giác đang mặc chiếc áo quá rộng. Hơn một lần giới văn nghệ sĩ đề xuất đến lúc thay đổi cách xét giải thưởng trong lĩnh vực văn chương, nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh để tránh tình thế “hết nạc vạc đến xương”.
Tác phẩm, công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải đáp ứng tiêu chí: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng giải cao nhất...”.
Trả lời Tiền Phong, nhà văn- nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng, nhìn vào danh sách đề nghị của lĩnh vực văn học năm nay thấy khó có tác phẩm của bất cứ tác giả nào đạt đến tiêu chí Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bất cập ở chỗ, nhiều tác giả chọn tác phẩm xuất sắc xét Giải thưởng Nhà nước trước đó, cho nên giờ “nâng cấp” lên thành Giải thưởng Hồ Chí Minh khó tránh khỏi chất lượng tác phẩm không thể bằng giải Nhà nước của chính tác giả đó. “Dù rất kính trọng, yêu mến một số tác giả lớp trước nhưng không thể xem tác phẩm của họ đạt “tác dụng to lớn,…ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội” được”, nhà văn Ngô Thảo phân tích.
Nhà báo, nhà thơ Trần Tuấn một lần nữa nhắc lại đề xuất nên bỏ/dừng/thay đổi Giải thưởng Hồ Chí Minh. Là bởi thời văn học nghệ thuật với tiêu chí cống hiến cho cách mạng đã qua, tác phẩm cách tân vẫn còn tranh cãi và cần thời gian kiểm chứng. Thời nay văn học phải đa chiều cho nên tác phẩm không còn phù hợp với khuôn tiêu chí cũ nữa. Điều đáng nói là tác giả và tác phẩm không đạt tới sự nổi bật như chủ nhân Giải thưởng Hồ Chí Minh từng có được. “Tôi nghĩ nếu để một số tác giả hiện nay ngồi chung mâm với các cụ được trao giải thưởng thời kỳ đầu thì giá trị quá xô lệch. Có lẽ bản thân nhiều người được Giải Hồ Chí Minh cũng tự xấu hổ khi đặt chung mâm với các bậc tiền bối”, nhà thơ Trần Tuấn nói.
Văn học nghệ thuật từng có vai trò lớn trong xã hội, nhưng xã hội hiện nay phát triển mà văn học nghệ thuật chưa theo kịp, tác động tới xã hội không được bao nhiêu. “Để bảo vệ giá trị cho Giải thưởng Hồ Chí Minh, với đúng tiêu chuẩn đã đề ra, có lẽ Nhà nước chỉ nên xét những tác phẩm ra đời trong cách mạng và trong các cuộc kháng chiến. Thay vì định lượng về thời gian thì chỉ nên xét đột xuất khi xuất hiện những tác phẩm thật đặc sắc”, nhà văn Ngô Thảo nêu.
Cần giải thưởng mới, hợp thời đại
Bất cập trong xét giải thưởng khiến nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn một lần nữa đề xuất cần nghĩ tới giải thưởng mới phù hợp.“Trong lúc chờ văn chương Việt Nam có giải thưởng đích thực bao quát và danh giá như Pulitzer của Mỹ, tôi đánh giá cao ý tưởng của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra giải thưởng cho tác giả trẻ, giải thưởng văn học cho thiếu nhi. Hoặc ít ra trong lúc chờ xác định được hệ thẩm mỹ, tiêu chí mới, Nhà nước nên giãn cách thời gian trao Giải thưởng Hồ Chí Minh thành 10-15 năm thay vì 5 năm như hiện nay”, nhà thơ Trần Tuấn đề xuất.