Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

TP - Sáng 6/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Vấn đề hỗ trợ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị với Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc với cử tri Hải Phòng để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Biển đảo được bảo vệ vững chắc

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu lên nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước và thành phố Hải Phòng liên quan đến việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nuôi trồng thủy sản; tháo gỡ khó khăn cho thị trường nông sản; bảo đảm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc;…

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất hết sức tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng của cử tri đối với những vấn đề lớn của đất nước cũng như những vấn đề liên quan đời sống, việc làm, thu nhập của người dân.

Thủ tướng cho biết việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những tác động tiêu cực do khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu; tình hình hạn hán, dịch bệnh; những diễn biến phức tạp ở biển Đông... Song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt theo hướng vững chắc hơn, tốt hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.

Đề cập các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn. Tăng trưởng kinh tế phải cao hơn trên nền tảng kinh tế vĩ mô phải ổn định hơn. Phát triển kinh tế phải song song thực hiện việc bảo đảm tốt hơn công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

“Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược. Phải thực sự coi phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Chúng ta phải đoàn kết, chung sức, chung lòng để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược này. Vừa qua chúng ta đã làm tốt, bây giờ chúng ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa bằng thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp”, Thủ tướng nói.

Tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân bám biển

Về phát triển sản xuất trong nước, Thủ tướng cho rằng, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, một mặt phải bảo hộ để tạo công ăn việc làm, để phát triển; song cũng phải mở cửa để tạo sức ép, cạnh tranh, vươn lên, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước. “Tôi tin việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được, hàng hóa của ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được”, Thủ tướng khẳng định.

Đối với việc hỗ trợ ngư dân nuôi trồng, chế biến thủy sản, ra khơi bám biển, theo Thủ tướng, cơ chế chính sách cũng đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ. Song Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát để bổ sung các chính sách hỗ trợ, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân, doanh nghiệp nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, ra khơi bám biển, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Liên quan nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp.  Chủ trương của ta là kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp, theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp. Chủ trương của ta là kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp, theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước.