ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội:
Thể hiện thái độ của Đảng với tham nhũng
Tôi ủng hộ việc đưa vào chương trình giám sát 1.000 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là quyết định quan trọng triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ nắm trọng trách lớn nhất của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cũng như doanh nghiệp tập đoàn của nhà nước.
Qua một số nghị quyết từ Đại hội lần thứ XI, XII, Nghị quyết Trung ương 6 trước đây và Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua, đây là bước triển khai thực hiện các nghị quyết chứ không phải vấn đề mới bây giờ mới đề ra. Thế nhưng đây là bước đột phá, được làm với tất cả những người đứng đầu, đặc biệt những trường hợp có sự tố cáo, có ý kiến của dư luận về vi phạm đạo đức, pháp luật, có thể tham nhũng.
Thế nhưng, có những ý kiến nêu ra là: Tại sao lại không làm với những cán bộ khác? Vì theo báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ trước đây thì, tình trạng tham nhũng xảy ra ở mọi cấp, mọi ngành mọi lĩnh vực. Về việc này, cần phải hiểu rằng, 1.000 cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là phần đưa vào diện giám sát đầu tiên để làm gương. Còn lại, Đảng chỉ đạo cho các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát các cán bộ trong phạm vi của mình chứ không phải không làm.
Bên cạnh đó, nếu đã làm được với đội ngũ cán bộ cao cấp nhất thì với đội ngũ cán bộ cấp dưới sẽ làm và làm được dễ dàng hơn. Cho nên đây là tuyên ngôn quan trọng đối với nhân dân, đảng viên về thái độ của Đảng đối với việc chống tiêu cực và tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu là không có “vùng cấm”. Vì thế, quyết định này có ý nghĩa tạo niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với Đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Tôi mong muốn Đảng đã đề ra thì quyết tâm làm đến cùng và xử lý một cách nghiêm khắc. Nhưng trong quá trình làm phải xem xét thận trọng, đánh giá khách quan, vừa để giữ được uy tín cán bộ, nhưng phải xử lý được những cán bộ sai phạm. Đồng thời phải công khai cho nhân dân biết Đảng đã xử lý đến đâu, làm những gì. Trong quá trình giám sát, xử lý phải dựa vào MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và dựa vào nhân dân, báo chí, đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Trong đó, cần có sự ưu tiên tập trung vào những nơi mà có ảnh hưởng và quyết định lớn nhất đến công tác cán bộ và sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách:
Người thực hiện phải có “bàn tay sạch”
Trước tiên tôi ủng hộ việc kiểm tra, giám sát trên, bởi điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian qua. Vấn đề quan trọng đặt ra là hiệu quả trong việc triển khai kế hoạch này ra sao. Cũng như vấn đề bộ máy, khi có đến 30% cán bộ, công chức “cắp ô” đã từng được công bố trước đây, thì phải làm thế nào để có được sự liêm chính, kiến tạo? Theo tôi, chính sự vận hành của bộ máy sẽ quyết định đến hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Muốn vậy, những vấn đề bức xúc đang xảy ra, như tình trạng bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan báo chí và dư luận phản ánh thời gian qua cần phải xử lý.
Việc kiểm tra, giám sát tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao, tôi cho rằng, nếu muốn làm “ra tấm ra món” để nhân dân tin tưởng thì trước tiên phải chọn được một đội ngũ tham mưu, thực hiện đủ mạnh, là những người thật sự tinh túy, có bàn tay sắt và bàn tay ấy phải sạch. Đồng thời phải tạo ra không khí dân chủ, thẳng thắn, không để tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám phản đối. Việc kiểm tra một phần dựa trên kê khai, nhưng quan trọng hơn phải dựa vào nhân dân, vào báo chí.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền:
Càng cán bộ cấp cao càng phải gương mẫu
Tất cả việc giám sát, kiểm tra tài sản đều tốt, và việc này được thực hiện trước tiên với tất cả đối tượng cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để làm gương rất đáng hoan nghênh. Việc kiểm soát tài sản của công dân trong xã hội đòi hỏi rất công phu, lâu dài. Các nước đã tiến hành công việc này từ hàng chục năm nay. Ở chúng ta từ bước thấp là kê khai, dần dần tiến tới kiểm soát tài sản qua tài khoản, qua thu nhập tiền lương...
Xác minh tài sản là việc làm rất khó khăn, nhưng không phải cứ khó khăn là mình không làm. Khó khăn thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết xem cái gì được và chưa được, khó khăn ở điểm nào, nguyên nhân sao?... Việc ra chỉ đạo như vậy cũng thể hiện bước đi thận trọng, làm ở đối tượng có phạm vi không quá rộng. Như vậy, những người chân chính, liêm khiết họ cũng cảm thấy được người dân tôn trọng. Nói như vậy để thấy, việc kiểm tra kịp thời và tiến hành công khai, minh bạch sẽ có tác dụng tốt.