> Có chế tài, nhưng khó xử lý chủ trọ tăng giá điện
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn nói: "Theo tôi mục tiêu tăng giá năng lượng (điện, than, xăng dầu) vừa qua là đúng, bởi chỉ có tăng giá mới khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Việt Nam là một nước nghèo về năng lượng.
Tiềm năng và trữ lượng của các nguồn năng lượng (than, dầu, khí và thủy điện) tính trên đầu người của VN rất thấp (chỉ bằng 1/10 mức bình quân của thế giới). Nhưng hiện tiêu dùng năng lượng của VN đang rất kém hiệu quả. Một kWh điện của các nước làm ra được tối thiểu 3-5 đô la GDP, còn của VN chỉ làm ra được khoảng 1 đô la GDP.
Một cân (kg) than các nước người ta phát được 3 kWh điện, còn ở VN chỉ phát được 2 kWh. Để nền kinh tế tăng trưởng được 1%, các nước chỉ cần tăng 1% điện năng, nhưng ở VN điện năng cần tăng tới 2% v.v. Tuy nhiên, cách tăng giá vừa qua chưa phù hợp.
Lợi cho người giàu
Ông nói việc điều chỉnh giá chưa phù hợp, cụ thể là sao?
Lẽ ra, chúng ta phải cơ cấu lại mức luỹ tiến về giá theo mức tiêu dùng điện, vẫn duy trì, thậm trí tăng mức "hộ nghèo" (lên trên 100kWh/tháng) được hưởng giá tối thiểu, sau đó rút ngắn khoảng cách và quy định thêm nhiều mức nữa để tăng luỹ tiến.
"Trong tình cảnh nghèo về năng lượng (than, dầu mỏ, khí tự nhiên đều đang cạn kiệt nhanh, thuỷ điện đã hết, uranium cũng phải nhập), để đảm bảo được cân bằng năng lượng của nền kinh tế chúng ta phải nghĩ đến giảm "cầu" trong khi chưa tăng được "cung".
Phải cắt giảm các dự án tiêu hao nhiều năng lượng như xi măng, luyện kim. Đồng thời phải tiết kiệm năng lượng (giống như nước dí tốt khi bí) vừa đơn giản vừa hiệu quả."
Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng biểu giá 3 mầu (xanh, vàng, đỏ) đối với mọi đối tượng sử dụng điện để hạn chế dùng điện trong giờ cao điểm, tiến tới san bằng biểu đồ phụ tải ngày-đêm của hệ thống. Có "san bằng" được biểu đồ phụ tải chúng ta mới nâng cao được hiệu quả đầu tư vào nguồn nhiệt điện chạy than, chạy khí và nâng cao được hiệu suất vận hành của các nguồn này.
Ngoài ra, còn có một việc quan trong cần phải làm trước khi tăng giá năng lượng thì chúng ta chưa kịp làm. Đó là kiểm toán chi phí sản xuất của các ngành năng lượng. Riêng chi phí sản xuất than, nếu chúng ta quản lý chặt chẽ như thời bao cấp, sẽ giảm được cả chục phần trăm chi phí.
Ngành điện cũng có "dư địa" để giảm giá thành rất lớn (giảm tiêu hao than, giảm tổn thất điện năng). Ngành cung ứng xăng, dầu, khí đốt cũng vậy, nếu mở cửa cho mọi thành phần kinh tế cũng được nhập khẩu xăng dầu và khí đốt về kinh doanh chắc chắn giá bán sẽ cạnh tranh hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chưa mở rộng cửa cho tư nhân tham gia được lĩnh vực này, vì phải đảm bảo an ninh năng lượng?
Đến nay chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong việc xóa bỏ độc quyền. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ còn độc quyền ở một số khâu nhất định trong lĩnh vực năng lượng như khai thác cung ứng than (kể cả xuất khẩu), phân phối điện, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và nhập khẩu xăng dầu khí đốt.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, trước hết chúng ta phải đảm bảo để ngành năng lượng phát triển có hiệu quả cao. Nếu độc quyền khai thác và xuất khẩu than nhưng giá thành khai thác than cứ tăng liên tục, còn giá xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào giá dầu mỏ trên thế giới như hiện nay thì đó là mối nguy cho an ninh năng lượng.
Nếu độc quyền trong lĩnh vực nhập khẩu xăng dầu khí đốt thì dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp "găm hàng" mỗi khi chờ Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán như đã xẩy ra vừa qua. Như vậy thì độc quyền đã trở thành phản tác dụng.
Tiền thu từ tăng giá làm gì?
Theo ông, việc tăng giá điện vừa qua có thúc đẩy phát triển ngành điện?
Các năm qua, chúng ta đã nhiều lần tăng giá bán điện, nhưng chưa thấy bước "nhẩy vọt" nào về tăng trưởng nguồn điện như mong muốn. Các dự án điện vẫn cứ chậm tiến độ, thị trường phát điện vẫn còn rất nhiều rào cản, tiêu dùng điện trong cơ cấu hiện nay của nền kinh tế vẫn còn lãng phí. Lần nào tăng giá điện cũng như "muối bỏ biển".
Vấn đề giá bán điện ở VN đã từ lâu nằm ngoài cả ba quy luật quan trọng nhất của thị trường: Quy luật cung-cầu, quy luật giá trị, và quy luật cạnh tranh. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng vào việc tăng giá điện để phát triển "cung" là ngành điện và việc tăng giá điện cũng không khắc phục được tình trạng thiếu điện.
Để tránh tình trạng tăng giá kiểu "muối bỏ biển" như ông nói và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nguồn điện, theo ông nên xử lý như thế nào về giá điện?
Tôi nhớ nhiều năm về trước, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền (cựu cố vấn của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) khi ủng hộ việc tăng giá điện đã từng đề xuất: Phần tiền chênh lệch thu được do tăng giá điện nhà nước phải "nắm" để trực tiếp đầu tư cho các nhà máy điện mới, chứ không phải để EVN tự "cân đối".
Chị Hiền đề xuất rất đúng, vì nếu là EVN, sau khi được tăng giá bán điện tôi cũng phải "cân đối" khoản chênh lệch "trời cho" đó trước hết vào "lỗ", sau đó, sẽ rất dễ chứng minh với Chính phủ là "muối bỏ biển" và tiếp tục "bài ca" phải tăng giá bán điện. Như vậy, việc tăng giá điện sẽ không có điểm dừng.
Còn để khuyến khích các thành phần kinh tế (nhất là nước ngoài) đầu tư vào phát điện, theo tôi Chính phủ nên "cân đối" phần chênh lệch do tăng giá bán điện để tăng giá mua điện của các nguồn điện ngoài EVN. Các nguồn điện ngoài EVN hiện nay đang bị EVN ép giá khi mua vào. Việc này là không sòng phẳng.
Các nhà máy điện ngoài EVN không cần đòi hỏi phải được EVN mua điện vào với giá cao, chỉ cần EVN mua với giá hợp lý. Giá bán cho EVN thấp nên nhiều nhà máy điện đang "ngắc ngoải" như điện Na Dương, điện Cao Ngạn của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản VN (TKV), nhưng giá cao mà không hợp lý thì cũng "chết" như nhà máy điện Hiệp Phước (IPP) hiện nay.
Cũng như giá bán, giá mua hợp lý của EVN là giá điện có hai thành phần: Giá công suất và giá năng lượng. Hiện nay do hệ thống thiếu điện nên các nhà máy điện ngoài EVN được EVN cho phát tới hơn 7.000h/năm (hệ số huy động công suất rất cao) nên dễ bị "mờ mắt" quên đi giá điện hai thành phần.
Gần như 100% các nguồn điện ngoài EVN đều còn rất mới nên tưởng như "đôi bên cùng có lợi", nhưng các nhà máy điện chạy than của TKV đang phải "ngậm bồ hòn" và dồn hết lỗ sang cho hòn than.
Cảm ơn ông !
Hoài Linh
(*) Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Trưởng ban quản lý các dự án năng lượng đồng bằng sông Hồng (trước đây là Cty Năng lượng sông Hồng, thuộc TKV).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, giá điện năm 2011 được xây dựng trên cơ sở giá than cho sản xuất điện tăng 5% so với hiện hành, bằng 62%-72% giá thành sản xuất than năm 2010. Nếu tính đầy đủ chi phí, giá điện phải tăng tới 62%.
Với mức tăng giá điện 15,28%, lợi nhuận của EVN được tính bằng 0. Ước tính việc tăng giá điện giúp EVN có thêm nguồn thu khoảng 16.000 tỷ đồng. Số tiền này, chưa đủ bù số lỗ của EVN năm 2010, lên tới gần 28.000 tỷ đồng.