Không trách ông Phàm

TP - Đúng là nổi da gà khi hôm qua ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng đại diện Formosa tại Hà Nội, tuôn những câu xanh rờn “Phải chọn hoặc nhà máy thép hoặc cá tôm” hay “Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được”.
Ông Chu Xuân Phàm cùng với chuyên viên của Formosa. Ảnh: Tuổi Trẻ

Song, bình tâm lại thì không thể trách ông Phàm, cái ông cứ sự thật thế nào thì huỵch toẹt như thế.

Một dự án gang thép Formosa đầu tư 10 tỷ USD chắc chắn đòi hỏi một vùng đệm rộng hơn bản thân diện tích nhà máy rất nhiều lần để đảm bảo an toàn cho cả nhà sản xuất lẫn cư dân bản địa. Phàm nói đến gang thép là nói đến chất thải độc hại trong hầu hết công đoạn, nhất là khi nó được sản xuất từ quặng nguyên khai. Khoản 45 triệu USD đầu tư cho hệ thống xử lý quả thực là khủng nhưng không thấm vào đâu so với độc tố mà công nghệ hiện đại ngày nay vẫn chưa kiểm soát hết được. Biết trước hạn chế đó, ngày càng nhiều dự án công nghiệp hàng tỷ USD được bố trí dọc bờ biển nước ta mấy năm gần gây. Một trong những nguyên nhân cơ bản là nhà đầu tư tận dụng điều kiện địa lý tự nhiên để tăng nhanh tốc độ hoà loãng ô nhiễm và giảm sức ép ô nhiễm đến môi trường sống xung quanh.

Song dù tăng nhanh tốc độ hoà loãng, đúng như lời nói có phần thách thức của ông Phàm và ông Hoàng Dật Thuyên - Giám đốc Trung tâm An toàn Vệ sinh Môi trường của Formosa, vẫn không thể không ảnh hưởng đến cá tôm và đánh bắt hải sản ở vùng đó. Phòng ngừa như thế là có cơ sở. Cơ quan quản lý phê duyệt thiết kế hoà loãng hàm lượng thải độc xuống dưới tiêu chuẩn cho phép thường chỉ dựa trên các trị số trung bình. Biển bao la không ai kiểm soát được. Bỗng dưng một ngày nào đó, biển giở chứng, thay đổi tất cả các trị số trung bình thì sao? Thay đổi chế độ dòng chảy, chế độ hải văn, tiểu khí hậu, cựa mình nơi đáy biển chẳng hạn. Những thay đổi không thể kiểm soát được ấy có thể làm ngưng trệ tốc độ hoà loãng chất thải so với mong đợi. Khi đó, kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Ngay cả trường hợp xấu nhất không truy tìm được thủ phạm gây cá hết hàng loạt ven biển ba tỉnh miền Trung từ đầu tháng 4, phát ngôn sốc của ông họ Chu kia là tiếng chuông cảnh tỉnh không chỉ cho tân Bộ trưởng TN&MT về tính minh bạch và khả năng ứng phó trước thảm họa.

Kiểu gì thì các cơ quan liên quan cần cho biết họ có công khai với nhân dân các yếu tố nguy cơ như ông Phàm đã tuyên không; nếu có, công khai đến đâu và thế nào? Nếu không, ai phải chịu trách nhiệm?