'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'

TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.

Phân bổ theo nhu cầu thực tế

Tại tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng (giai đoạn 2025-2030) và 134.000 tỷ đồng (giai đoạn 2031-2035).

Chương trình thực hiện trong 11 năm, chia làm các giai đoạn. Cụ thể, trong năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý…

Đến năm 2026-2030, cả nước tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030. Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thực hiện trong 11 năm theo lộ trình cụ thể.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định chủ trương xây dựng chương trình xuất phát từ thực tiễn cuộc sống.

Ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên ỷ lại, bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách mà cần phải chắt chiu sử dụng hiệu quả, không nên nghĩ nguồn lực đó là vô tận.

“Việc đầu tư cho văn hóa phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Kinh nghiệm được đúc rút đó là chính quyền nên đầu tư cho các hoạt động văn hóa có sự lan tỏa, tác động xã hội, sẽ trở thành vốn mồi, định hướng thu hút đầu tư các thành phần khác trong xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Thể chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút nguồn lực xã hội hóa khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị tư nhân chưa hào hứng đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Sớm tháo gỡ vướng mắc trong xã hội hóa

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước còn lúng túng trong chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa và trông đợi nhiều ở thị trường tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thiết kế thể chế, chính sách đủ sức hấp dẫn thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Thay đổi thể chế chính sách là bước đầu cởi trói và tháo điểm nghẽn cho đầu tư văn hóa. "Các luật liên quan đến văn hóa mới chỉ dừng ở tuyên ngôn chính sách là chính, chưa quy định được chính sách ưu đãi cho đầu tư văn hóa, nhất là huy động nguồn lực xã hội hóa. Câu chuyện ưu đãi như thế nào lại nằm ở các luật chuyên ngành, đất đai, thuế, tài sản công, đầu tư... Việc lĩnh vực văn hóa không nằm trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một thiếu sót lớn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cần có những chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Ông cho rằng việc khuyến khích tư nhân đầu tư cho văn hóa không thể dừng ở việc hô hào, ghi nhận xong lại để đó, bởi khi và chỉ khi Việt Nam huy động được nguồn lực tổng hợp của nhà nước, tư nhân và cộng đồng, văn hóa mới thực sự phát triển.

GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - tin tưởng nguồn lực đầu tư cho văn hóa sẽ được phân bổ phù hợp với nhu cầu của các lĩnh vực, địa phương. Hiện nay công tác giám sát, chi tiêu, đầu tư được Bộ Tài chính thực hiện rất chặt chẽ, vì vậy, rất khó xảy ra tình trạng đầu tư không đúng trọng điểm, gây thất thoát.

“Chương trình do Bộ VHTTDL làm đầu mối chính, phối hợp cùng các bộ, ban, ngành thực hiện. Có thể nói chương trình được thực hiện sau khi trải qua nhiều bước giám sát chặt chẽ, kỹ càng. Tất cả cơ chế đầu tư hiện nay được thực hiện vô cũng nghiêm túc. Nguồn lực được đầu tư đến các địa phương, các ban, ngành, các BQL di tích để thực hiện tôn tạo, tu sửa…”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.

Hàng loạt di tích xuống cấp chờ tôn tạo. Ảnh: Hoài Nam.

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng việc đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo không thể thực hiện một cách dàn trải ở các địa phương mà cần nghiên cứu phát triển theo tiềm năng sẵn có.

Các chuyên gia chỉ ra thực tế một số thiết chế văn hóa ở các địa phương, cơ sở chưa phát huy được hết tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi có những thay đổi, cởi mở trong mô hình xây dựng mô hình nhà văn hóa, các địa phương phần nào giảm bớt sự phí phạm, lãng phí khi xây dựng nhà văn hóa nói riêng và các thiết chế văn hóa cơ sở nói chung.