Không thay đổi

TP - Nếu căn cứ theo tên gọi các sản phẩm sản xuất, kinh doanh theo quy chuẩn pháp luật, dường như ở Việt Nam hiện nay không tồn tại mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em. Lý do, các doanh nghiệp đã thực hiện theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của Bộ Y tế.

> Quản lý giá sữa: Hổng do đâu?
> Phải bình ổn giá sữa trẻ em

Cụ thể, theo báo cáo của 14/18 doanh nghiệp, chiếm hơn 90% thị phần sản xuất, kinh doanh, phân phối của hầu hết các loại sản phẩm sữa có mặt trên thị trường, gửi về Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính, tính đến 20/8/2013, hầu hết không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của Bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, theo quy định của Luật Giá, có hiệu lực từ 1/1/2013, mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục bình ổn giá của Nhà nước. Nhưng không phải không còn tên gọi “sữa trẻ em” thì đồng nghĩa với việc rộng tay hơn với chuyện tăng giá bởi không nằm trong danh mục mặt hàng phải chịu sự khống chế giá theo quy định Nhà nước.

Vấn đề ở chỗ, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho rằng, không thể nói các doanh nghiệp “lách” luật mà thực ra họ đang chấp hành các quy định của luật pháp. Nghĩa là doanh nghiệp không sai.

Vị lãnh đạo này giải thích, kể từ ngày 1/1/2011, khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa bột có hiệu lực, việc sản phẩm trước đây với tên gọi là sữa bột dành cho trẻ em nay được thay đổi là sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ là phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) mà các nước thành viên của WTO phải tuân thủ.

“Sự thay đổi này hoàn toàn chỉ về tên gọi còn về bản chất hàng hóa là không thay đổi. Còn trách nhiệm của doanh nghiệp là vẫn phải thực hiện kê khai giá với cơ quan chức năng theo quy định”- lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.

Ông này giải thích thêm, rằng kể từ ngày 1/1/2011 khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa bột có hiệu lực, các sản phẩm mới đổi tên cho đúng với bản chất sản phẩm đã được định nghĩa trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, vị quan chức này nói, từ rất nhiều năm kể cả trước và sau ngày 1/1/2011 (thời điểm phải điều chỉnh tên sản phẩm cho phù hợp) các sản phẩm sữa dạng bột và các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ (sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) năm nào cũng vài lần tăng giá.

“Phải chăng giá các sản phẩm này tăng là do nhiều nguyên nhân, ví dụ như giá điện, nước, nhân công, vận chuyển, kho tàng bến bãi, giá nguyên liệu tăng, tỷ giá USD thay đổi?”, ông nói.

Tuy nhiên, các lần trước, việc tăng giá sữa được nói là do biến động giá nguyên liệu đầu vào, hoặc chi cho quảng cáo quá lớn… Nhưng nay chỉ có thay đổi về tên gọi, còn bản chất hàng hóa không thay đổi mà giá sữa vẫn tăng chóng mặt là do đâu?

Nghe Cục An toàn thực phẩm giải thích một hồi chắc sẽ có nhiều người tiêu dùng muốn điên cái đầu vì sẽ chả hiểu do đâu mà giá tăng. Nhưng dù có do cái gì đi nữa, dù có thay đổi ở chỗ nào, chắc chắn có một thứ không đổi: thiệt thòi vẫn luôn nằm ở phía người tiêu dùng.

Theo Báo giấy