Không quân Mỹ phát triển máy bay tiếp nhiên liệu có khả năng tàng hình

Nhờ khả năng tàng hình, máy bay tiếp liệu KC-Z sẽ có khả năng hoạt động cùng các nhóm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ đối phương.

Ngày 23-9, theo trang tin quân sự Militaryparitet, Không quân Mỹ đang tính tới khả năng phát triển thế hệ máy bay tiếp liệu trên không mới có khả năng tàng hình với tên chương trình là KC-Z. Nhờ khả năng tàng hình, máy bay tiếp liệu KC-Z sẽ có khả năng hoạt động cùng các nhóm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ đối phương.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy lực lượng cơ động thuộc Không quân Mỹ, tướng Carlton Everhart đánh giá, sự phát triển của vũ khí phòng không hiện đại đã đặt ra vấn đề áp dụng công nghệ tàng hình cho máy bay tiếp liệu trên không mới. 

Trong khi đó, máy bay chiến đấu dù có hiện đại tới đâu sẽ vẫn bị giới hạn tầm hoạt động nếu thiếu các máy bay tiếp liệu đi kèm. Ông C. Everhart cho biết, nếu bắt tay ngay và chương trình KC-Z, Không quân Mỹ có thể sở hữu máy bay tiếp liệu tàng hình mới trong vòng 10-15 năm tới.


Máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus. Ảnh: defensetalk.

Hiện tại, các máy bay tiếp liệu trên không của Không quân Mỹ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới được chế tạo trên cơ sở sửa đổi thiết kế từ máy bay chở khách cỡ lớn. Phương thức này giúp tiết kiệm chi phí phát triển và chế tạo, những máy bay tiếp liệu dạng này cũng có yếu điểm về thiết kế và khả năng tự bảo vệ. Khi tham chiến, hầu hết máy bay tiếp liệu đều hoạt động xa khu vực giao chiến.

“Tới tận thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn sử dụng phương thức tiếp liệu trên không giống như hàng chục năm trước. Liệu đây có phải là sự lựa chọn hợp lý?”, ông C. Everhart nói với hãng tin Defense News.

Theo lời ông C. Everhart, thách thức lớn nhất đối với chương trình KC-Z là việc biến các máy bay tiếp liệu khổng lồ trở nên vô hình trước sóng ra-đa. Máy bay tiếp liệu mới có thể sử dụng cơ cấu thân cánh hoặc cánh bay tương tự như máy bay ném bom B-2. Ngoài ra, yêu cầu quan trọng nhất là đơn giản và tự động hóa quá trình tiếp liệu trên không.

Hiện tại, Không quân Mỹ đang thực hiện chương trình hiện đại hóa lực lượng tiếp liệu trên không với kế hoạch mua tới 179 máy bay KC-46A Pegasus vốn được phát triển trên cơ sở máy bay chở khách Boeing 767. Theo quan điểm của C. Everhart, Không quân Mỹ có thể giảm bớt số lượng máy bay KC-46A đặt mua để dành nguồn tài chính phát triển KC-Z.

“Tôi không hiểu chúng ta sẽ cần máy bay KC-46A hay KC-Z hơn nếu xảy ra xung đột quy mô. Thế giới ngày nay đang xoay chuyển rất nhanh và tôi không muốn kẻ thù nắm được yếu điểm của chúng ta và khai thác nó”, ông C. Everhart nhận định.

Theo Theo Quân đội Nhân dân