Các máy bay F-16 của Iraq phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ các kỹ thuật viên người Mỹ, mặc dù những nhân viên này dự kiến sẽ rút khỏi Iraq trong thời gian tới do hoàn cảnh chính trị ở nước này thay đổi. Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của hãng Lockheed Martin (hãng chế tạo tiêm kích F-16) Joseph LaMarca Jr., được New York Times trích dẫn nói về việc có thể rút nhân viên: “Phối hợp với chính phủ Mỹ và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là an toàn cho nhân viên… Lockheed Martin đang chuyển đi cơ sở tại Iraq của chúng tôi. Đó là đội hỗ trợ kỹ thuật cho F-16”. Với khả năng các máy bay F-16 của Không quân Iraq có thể phải nằm đất dài hạn, khả nước này phải tìm mua chiến đấu cơ từ các nguồn khác không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ vẫn là một khả năng đáng kể, theo MTW.
Số tiêm kích F-16IQ nói trên đã được chuyển giao cho Iraq từ năm 2014 đến năm 2017. Áp lực chính trị của Mỹ được cho là đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tác động đến chính phủ Iraq thời kỳ hậu Saddam Hussein để nước này mua máy bay F-16 bất chấp khả năng của chúng còn nhiều nghi vấn.
Không quá lời khi nói rằng những chiếc máy bay này là biến thể F-16 kém khả năng nhất đang được phục vụ ở bất kỳ đâu trên thế giới - với những ngoại lệ có thể có của những chiếc trong biên chế Không quân Ai Cập và phi đội F-16A nhỏ trong Không quân Venezuela.
Các tiêm kích của Iraq là biến thể F-16 hiện đại duy nhất không được trang bị tên lửa không đối không AIM-120, thay vào đó sử dụng tên lửa AIM-7 Sparrow và AIM-9L / M từ thời Chiến tranh Lạnh, cả hai đều bị coi là lỗi thời. Việc phía Mỹ quyết định hạn chế năng lực của các máy bay này được cho là do ảnh hưởng bởi những lo ngại của Israel, dẫn đến việc Iraq chỉ được cung cấp khả năng tối thiểu đủ để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Không phận của Iraq đã từng bị tiêm kích của Israel xâm phạm trong quá khứ - cả để tấn công các mục tiêu ở Syria khi bay quá cảnh Iraq và tấn công các tổ chức phi nhà nước trên đất Iraq.
Mặc dù Iraq trước đây đã sở hữu một trong những phi đội không quân quan trọng nhất ở Trung Đông, việc thiếu vắng hoàn toàn khả năng phòng không đã khiến nhiều người kêu gọi mua các tiêm kích có năng lực hơn từ Nga cũng như hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga.
Vào tháng 8 năm 2020, thanh tra quân sự Bộ Quốc phòng Iraq Imad Al-Zuhairi tuyên bố rằng nước này cần những chiếc Su-57 - tiêm kích mới nhất và có khả năng nhất của Nga - cho phi đội của mình. Tuy nhiên, chi phí cao của Su-57 và sự phức tạp của việc bảo dưỡng và vận hành máy bay, có thể sẽ gây khó khăn nghiêm trọng khi xem xét tình trạng hiện tại của Không quân Iraq.
Tuy nhiên, một loại tiêm kích yêu cầu bảo dưỡng thấp hơn có thể được mua để thay thế F-16 và có thể dễ dàng hoạt động hơn với sự hỗ trợ của Nga. Kinh nghiệm vận hành một tiêm kích như vậy - rất có thể là MiG-29 hoặc MiG-35 - có thể giúp Không quân Iraq có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để cuối cùng vận hành các tiêm kích cao cấp hơn như Su-57 hoặc Su-30SM2.