Được biết có địa phương vừa công bố các quy định mua tin từ các cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, quan điểm của ông ra sao?
Theo tôi, đấu tranh phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của mọi người dân, không nên đặt vấn đề và khuyến khích mua tin về tham nhũng của các cơ quan chức năng.
Người dân hiện nay rất bức xúc với vấn nạn tham nhũng, họ sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng, nếu họ có thông tin. Còn đặt vấn đề thành chuyện mua bán, tôi nghĩ dân không ủng hộ. Có vẻ như đặt ra vấn đề mua bán như vậy là xúc phạm danh dự của người cung cấp tin.
Vậy ông có nghĩ đây là biện pháp để khuyến khích người dân giúp công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn?
Những người dân chân chính, lương thiện sẽ không coi đó là cách để có thu nhập. Cho nên tôi nghĩ không nên khuyến khích chuyện này.
Thực tế, để có những thông tin về tội phạm về tham nhũng, phải có những chính sách đặc thù, thậm chí phải chi những khoản rất lớn để có thông tin?
Đấy là câu chuyện khác. Tôi tin người dân sẵn sàng tham gia đấu tranh, chống tham nhũng. Không nên coi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như một kế sinh nhai.
Nhưng cũng có thể coi đó là khoản tiền thưởng để khuyến khích người dân cung cấp thông tin?
Khen thưởng lại là câu chuyện khác. Nếu dùng tiền để mua thông tin là câu chuyện có vẻ như thiếu tin tưởng và thiếu tôn trọng nhân dân.
Hiện nay những người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng tích cực nhưng chưa được bảo vệ tốt. Có biện pháp nào để người dân tin tưởng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng?
Bảo vệ nhân chứng, bảo vệ nguồn tin, đặc biệt là những nhân chứng trong đấu tranh chống tham nhũng là câu chuyện đặt ra không phải chỉ đối với Việt Nam. Thế giới cũng đặt ra việc phải bảo vệ nhân chứng, người tố giác tội phạm.
Trên thực tế, chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ họ. Cá biệt có những trường hợp này trường hợp khác, có những biểu hiện lệch lạc, cần phải điều chỉnh và xử lý. Tuy nhiên, cái đó không phải phổ biến.
Cảm ơn ông!