ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Bà Dung đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp. Theo bà, hiện nay mới chỉ quy định theo hướng nghiêm cấm các hành vi gian lận.
Dẫn phản ánh của báo chí về một trường hợp là khách hàng bị sốc khi tất toán sớm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức đóng là 120 triệu nhưng khi thu về chỉ còn có 36 triệu, bốc hơi mất 70%, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, có thể khách hàng bị lừa do doanh nghiệp đánh tráo khái niệm.
Theo ông, nếu khách hàng đã hiểu rõ nội dung cam kết thì rất có thể sẽ không mua bảo hiểm hoặc nếu mua mà phải nhận lại mức bồi hoàn thấp như thế chắc sẽ không sốc và có những bức xúc đến như vậy.
Từ đó, ĐBQH Lê Minh Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định tại luật nội dung yêu cầu thống nhất về thuật ngữ chuyên môn có tính chuẩn mực chung. Đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Trước một số ý kiến đề nghị bãi bỏ Quỹ bảo vệ cho người được bảo hiểm, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quỹ này được tính vào chi phí bảo hiểm, có nghĩa là chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trước đây thu quỹ này là 0,3% doanh thu, bây giờ đề nghị là 0,05%. Luật tính đến 3 lớp bảo vệ, tuy nhiên không thể khẳng định khi một doanh nghiệp có 3 lớp bảo vệ thì không bị vỡ. Ví dụ ngân hàng cho vay có tài sản thế chấp, nhưng vẫn bị vỡ.
“Khi anh bị vỡ thì dùng quỹ này để chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Quốc hội vẫn tiếp tục ủng hộ để quỹ thì chúng ta đưa vào luật. Còn nếu bãi bỏ quỹ này thì giao lại cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý số dư của quỹ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.