Không cho điểm ở bậc tiểu học

TP - Sau một năm thí điểm không cho điểm trong đánh giá thường xuyên ở lớp 1, năm học tới, Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai với toàn cấp tiểu học để giảm áp lực học hành. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết, Bộ sẽ xin ý kiến đóng góp của dư luận trước khi có quy định chính thức.
Sẽ không cho điểm trong đánh giá thường xuyên với học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Phạm Ngọc Định nói: Khoảng thời gian này năm ngoái, trước những bức xúc của xã hội về việc dạy trước lớp 1 từ khi các cháu còn học mẫu giáo mà nguyên nhân xuất phát từ áp lực điểm số, Bộ GD&ĐT đã triển khai việc không cho điểm trong đánh giá thường xuyên với học sinh lớp 1.

Theo đó, cả năm học, học sinh lớp 1 chỉ hai lần được chấm điểm vào cuối kỳ. Còn trong suốt quá trình học, các em được đánh giá bằng nhận xét của giáo viên. Thời gian đầu triển khai cũng có một số ý kiến trái chiều, nhưng cơ bản là đồng tình. Cuối năm học, sơ kết một năm thực hiện cho thấy, cả 63 tỉnh, thành phố đều báo cáo là đã làm tốt, không nơi nào đề nghị phải xem xét lại chủ trương này.

Kết quả học tập của học sinh thể hiện qua bài kiểm tra định kỳ cuối kỳ vẫn bình thường như mọi năm. Những than phiền của phụ huynh về việc họ phải cho con đi học trước lớp 1 đã giảm rõ rệt.

Theo thông tư quy định đánh giá học sinh tiểu học mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo, trách nhiệm đánh giá học sinh vẫn dồn hết cho giáo viên trực tiếp dạy các em. Liệu điều đó có khiến phụ huynh cảm thấy lo ngại, nếu giáo viên không phải là người công tâm và khách quan?

Trước đây, khi còn đánh giá bằng điểm số, việc đánh giá thế nào vẫn hoàn toàn là do giáo viên. Suy cho cùng, giáo viên vẫn là người phải chịu trách nhiệm về việc học tập của học sinh ở trên lớp, nên việc các thầy cô “có quyền” trong đánh giá các em là điều không thể khác được, kể cả khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét.

Có điều, giờ đây, việc đánh giá một học sinh thế nào không chỉ phụ thuộc vào nhận xét của giáo viên trực tiếp đứng lớp mà còn tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, còn có thêm lực lượng quản lý kiểm tra, giám sát việc đánh giá này. Đó là đánh giá bên trong. Bên cạnh đó, tiến tới, Bộ sẽ triển khai việc đánh giá ngoài để đánh giá chất lượng dạy học. Đánh giá ngoài chính là yếu tố sẽ tác động tới đánh giá trong của giáo viên.

Tăng cường hỗ trợ học sinh yếu kém

Theo dự thảo thông tư của Bộ, những học sinh chưa hoàn thành chương trình học sẽ được giáo viên trực tiếp giúp đỡ để có thể hoàn thành. Nhưng nếu sau khi đã được kèm cặp rồi mà học sinh vẫn không hoàn thành thì sẽ xử lý những em này thế nào?

Với những học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên phải có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ để cho học sinh đạt.

Trường hợp học sinh đã được giúp đỡ rồi mà vẫn chưa hoàn thành thì giáo viên phải bàn với hiệu trưởng quyết định cho học sinh lên lớp hay ở lại lớp, chứ Bộ không thể quyết định từng trường hợp một. Có trường hợp chưa hoàn thành ở mức độ nào đó mà hiệu trưởng vẫn quyết định cho lên lớp thì phải ghi rõ trong hồ sơ và phải bàn giao hồ sơ này với giáo viên lớp trên để các thầy cô lớp trên tiếp tục có biện pháp giúp đỡ các em.

Vừa rồi tôi đi Mỹ, có tham khảo cách làm của họ thì thấy quan điểm của họ là không để học sinh ở lại lớp vì cách làm đó không tốt về mặt tâm lý cho học sinh. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có những trường hợp nếu hiệu trưởng thấy cần thiết vẫn có thể cho các em ở lại lớp.

Việc làm này có thể rất nhân văn, nhưng tình trạng “ngồi nhầm lớp” xảy ra cách đây dăm bảy năm liệu có lặp lại?

Như trên tôi đã nói, chúng ta vẫn cho phép để học sinh ở lại lớp nếu năng lực các em quá yếu, dù được giúp đỡ đặc biệt, nhưng vẫn chưa hoàn thành được chương trình. Việc giúp đỡ học sinh yếu là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở, vì thế trong dự thảo thông tư này, chúng tôi yêu cầu dứt khoát phải có đánh giá hằng tuần, hằng tháng. Không được để đến cuối kỳ mới đánh giá, bởi như thế là quá muộn.

Thêm trợ giảng, thay học bạ

Quy định này có khả thi khi mà sĩ số lớp học hiện nay ở nhiều nơi quá đông khiến nhiều học sinh học cả buổi không có cơ hội phát biểu? Rồi liệu giáo viên có đủ thời gian vật chất để mà đánh giá thường xuyên từng học sinh bằng những nhận xét rất chi tiết?

Về cơ bản, sĩ số học sinh cấp tiểu học hiện nay của các tỉnh, thành phố là không đông, trừ Hà Nội và TPHCM. Với những thành phố này, chúng tôi cũng rất bức xúc trước tình trạng lớp học quá đông khiến học sinh không có cơ hội tương tác với giáo viên. Điều này khiến các cháu rất thiệt thòi.

Tuy nhiên điều quan trọng là cần phải đưa được định hướng và phải làm từng bước một. Vấn đề đầu tiên là giáo viên đồng ý phải thay đổi cách làm. Sau khi có quy định, Bộ sẽ phải đưa ra hướng dẫn chi tiết. Với những địa phương sĩ số lớp học quá đông, Bộ sẽ đề nghị các Sở GD&ĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố là phải có thêm trợ giảng.

Quy định này nếu triển khai thì có phải thay đổi mẫu học bạ hiện nay không?

Đúng là học bạ sẽ phải thay đổi. Chúng tôi đang tìm giải pháp xử lý kỹ thuật hai tình huống. Một là với những lớp đang dùng mẫu học bạ cũ thì sắp tới sẽ thế nào. Hai là thiết kế học bạ mới ra sao với lứa học sinh vào lớp 1 năm nay.

Cảm ơn ông.