Không biết thế nào là 'ăn mặc phản cảm', phải học lại văn hóa

TP - Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội lý giải về những băn khoăn “Thế nào là ăn mặc phản cảm” rằng: Người Việt Nam mà không biết thuần phong mỹ tục Việt thì dân trí quá thấp, phải đi học văn hóa.

Sau Bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan nhà nước nhận được nhiều ý kiến trái chiều, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội cũng đang gây tranh cãi.

Cụ thể, dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng gồm 3 chương 14 điều, quy định các hành vi không nên làm gồm: Nói to, gây ồn ào; nói tục, chửi bậy; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng; mặc trang phục hở hang trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm… Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc “phê bình công khai” khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến danh dự công dân. Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội nói, chưa luật nào cho phép được công khai tên người mua dâm chứ đừng nói là mặc đồ hở hang. Luật sư Thơm cho rằng, bêu tên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời tư công dân, vi phạm quyền thông tin cá nhân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động nói: Dự thảo đưa lên mạng để mọi người góp ý, chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của người dân để điều chỉnh cho phù hợp. “Tuy nhiên, thấy cái xấu mà không đấu tranh, không có hình thức xử lý thì người ta cứ tưởng cái đó là hay, là đẹp. Không làm như thế thì làm sao có cái gì chống lại được. Cũng đã có một số ý kiến cho rằng, đề ra rồi không làm không khác gì “đánh trống bỏ dùi”. Do đó, rất cần người dân suy nghĩ theo hướng tích cực, để xã hội lên án những hành động xấu, trái thuần phong mỹ tục”, ông Động nói.

Về những ý kiến của họa sĩ Huy Hùng (báo Tiền Phong đăng ngày 6/2) về việc khó nói thế nào là “ăn mặc phản cảm”, bởi cùng bộ trang phục, có thể với người lớn tuổi là phản cảm, nhưng với thanh niên lại là “mốt”, lãnh đạo Sở VH-TT cho rằng: Đúng là có những giá trị văn hóa không thể định lượng được, chỉ định tính thôi. “Còn nếu là người Việt Nam mà không biết thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì dân trí anh thấp quá. Anh phải đi học văn hóa. Anh cho cái này là thuần phong mỹ tục, anh cho là đẹp, là hợp lý thì người khác cũng cho là đẹp, là hợp lý. Bắt chúng tôi định lượng dài ngắn bao nhiêu, hở thế nào là hở thì rất khó!”, ông Động nói.