Không xuê xoa hành vi phản cảm trong lễ hội

TS. Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng cứ lối hành xử mê muội của một bộ phận người dân thì thần linh cũng bỏ đi. Ảnh: Nguyên Khánh.
TS. Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng cứ lối hành xử mê muội của một bộ phận người dân thì thần linh cũng bỏ đi. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cảnh báo xu hướng cướp lộc, bạo lực ngày càng mạnh, có thể bùng phát nếu không kịp ngăn chặn.

Bình thường và khác thường

Tranh cướp lộc trở nên quá quen thuộc với nhiều lễ hội từ nhỏ tới lớn, dù dư luận xã hội lên án sự phản cảm suốt thời gian qua. TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng cần hiểu rõ hơn tục cướp lộc ở một số hội làng.

Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) từng có công trình “Hội Phù Đổng-Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam” mô tả khá chi tiết Hội Gióng làng Phù Đổng-di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại từ 2010. Trong lễ hội này, sau khi xong màn múa của ông hiệu cờ, người dân xông vào cướp mảnh chiếu, sợi chiếu xé nhỏ để lấy may.

Hội Gióng, một trong những lễ hội “cổ và kỳ thú nhất” (như đánh giá của Nguyễn Văn Huyên) bước sang thời hiện đại phát sinh một số điều chưa tốt, nhất là màn tranh cướp lộc dẫn đến xô xát như gần đây. “Một số hội làng khác cũng có tục cướp lộc nhưng chỉ là số ít, còn lại đa phần các hội làng cổ truyền ở ngoài Bắc không có tục này”, TS. Tuấn nói. Hình ảnh tranh cướp lộc ở một số lễ hội lớn như đền Trần khoảng chục năm trở lại đây theo ông Tuấn trở thành “gương phản chiếu” và nguy cơ lan ra nhiều hội khác. Đền Trần vài năm trước khi không còn cướp ấn, người ta quay ra cướp đồ thờ. Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Nam Định khẳng định năm nay hạn chế bày đồ thờ để tránh tình trạng này.

“Sau khi sang cơ chế thị trường, con người ta ai cũng đặt giá trị lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Từ quan tới dân ai cũng muốn có lộc. Muốn nhận lộc là chuyện bình thường, nhưng chuyện khác thường ở đây là: hiệu ứng tâm lý đám đông đẩy con người ta đến xô xát, cướp giật. Xu hướng cướp lộc này ngày càng mạnh nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn kịp thời”, TS. Trần Hữu Sơn nói.

Không thể xuê xoa

“Người chịu trách nhiệm không ai khác là chính quyền sở tại, nơi tổ chức lễ hội nhưng không thể không trách người dân. Sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận được cả về khía cạnh tâm linh và cả khía cạnh xã hội. Chúng ta tôn trọng niềm tin thần linh của mọi người, nhưng cũng phải lên án các hành vi lạm dụng, sai lệch và không còn phù hợp với bối cảnh mới”, TS Tuấn nói.

“Sau khi sang cơ chế thị trường, con người ta ai cũng đặt giá trị lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Từ quan tới dân ai cũng muốn có lộc. Muốn nhận lộc là chuyện bình thường, nhưng chuyện khác thường ở đây là: hiệu ứng tâm lý đám đông đẩy con người ta đến xô xát, cướp giật. Xu hướng cướp lộc này ngày càng mạnh nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn kịp thời”. 

TS. Trần Hữu Sơn

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn phân tích nguyên nhân của hiện tượng tranh cướp lộc, thậm chí dẫn đến bạo lực, ẩu đả bắt nguồn từ việc “chưa định hướng tổ chức tốt, thả lỏng và khuyến khích việc lấy lộc”. Ông nói thêm, thường lễ hội truyền thống ít có chuyện phát lộc, nay sáng tạo thêm cũng không sao nhưng vấn đề ở chỗ hành động này dễ dẫn đến phản cảm. “Trong quy hoạch, các nhà quản lý, tổ chức nhìn thấy nhu cầu tất yếu này cần đón đầu, có cách tổ chức hợp lý không cấm nhưng không buông lỏng”, ông Sơn nói. Theo ông Sơn, mấu chốt ở cách tổ chức. Chẳng hạn trước kia dân bẻ lộc ở di tích nhiều vô kể, công an quản không được, sau này nhà tổ chức bố trí hẳn khu phát lộc nên ai cũng xếp hàng trật tự. 

Hội hè đình đám ngày xưa thường bó hẹp trong làng xã, kể cả quy mô khu vực cũng ở mức vừa phải. “Nhiều hội làng trở thành hội toàn quốc, chúng ta không ngăn được xu hướng đó, tuy nhiên phải báo động những hành vi phản cảm. Nguyên nhân chính của hành động đó là tâm lý ta đây, thích thể hiện và dễ lây lan cho đám đông”, ông Sơn tiếp lời.

Tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức là điều đầu tiên các BTC lễ hội nêu ra, nhưng chưa đủ. “Phải có chế tài xử phạt và mạnh tay hành với vi phản cảm, bạo lực, đưa cả lên mạng xã hội. Mạng xã hội bây giờ có sức mạnh không kém dư luận làng ngày xưa. Có như vậy kiểu ứng xử kém văn minh đó mới được đẩy lùi. Nếu cứ xuê xoa thì tình trạng nhốn nháo, phản cảm càng trở nên kinh khủng”, ông Trần Hữu Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.