Khi miếng ăn còn khó

TP - Ai sống ở TPHCM đều ít nhiều chứng kiến cảnh lao động trẻ em, từ những xưởng may gia công chật chội ở các quận huyện như Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, TPHCM… tại những cơ sở kinh doanh gia đình rải khắp thành phố, đến các tụ điểm ăn nhậu, trên hè phố...

> 'Bán' con trẻ làm lao động khổ sai 

Con số thống kê của cơ quan chức năng nói ở thành phố với khoảng 8 triệu dân này, có tới 70.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 1.500 em phải lang thang kiếm sống, thậm chí có hàng trăm trẻ phải lao động nặng nhọc trong các cơ sở sản xuất. Chắc chắn, đây là những con số thống kê chưa đầy đủ.

Cứ thử tưởng tượng một đứa trẻ chưa đến 15 tuổi phải lao động 8-12 giờ/ngày với đồng lương vô cùng rẻ mạt thì mới thấy rằng chuyện trẻ em bị ngược đãi, lao động khổ cực không chỉ diễn ra ở đâu đó châu Phi hay các quốc gia nghèo nàn ở Nam Á.

Mà đó cũng là một phần cuộc sống quanh ta, là hiện thực cuộc sống của một nhóm trẻ em thiếu may mắn quanh ta những không phải lúc nào trong cuộc sống, chúng ta cũng kịp dừng lại để quan tâm, để thương xót.

Làm việc 10-12 giờ/ngày, ăn uống kham khổ mà tiền công các cháu nhận được chỉ vỏn vẹn 800.000 đồng-1,2 triệu đồng/tháng. Có thể nói không ngoa rằng những người bóc lột sức lao động của con trẻ đang thực hiện một hành vi rất gần với tội ác, dù trong số những ông chủ bà chủ ấy, không phải ai cũng nhận thức được việc mình làm là sai trái.

Thậm chí, vẫn có người cho rằng họ đang gia ân với các cháu, gia ân với bố mẹ các cháu vì “mang lại miếng cơm, manh áo”. Và ngay cả cha mẹ các cháu, đa phần là do khó khăn mà sẵn sàng quên đi những quyền lợi cơ bản của trẻ nhỏ.

Nhưng nếu chỉ nhìn từ bên ngoài để rồi lên án các bậc cha mẹ ấy thì có lẽ lại là khiên cưỡng và duy ý chí. Bởi có thể tin rằng, đa phần họ cũng mong muốn con mình được sung sướng, được vui chơi học hành đầy đủ như con cái bao gia đình khác.

Và cũng bởi sẽ chẳng có ai, ngoài cha mẹ các em, phải nai lưng lo cái ăn cái mặc cho các em, bởi không ít gia đình, nếu thiếu phần góp lương hằng tháng của trẻ cũng dẫn tới thiếu trước hụt sau. Trong cái khó ấy, nói chuyện quyền trẻ em dường như là điều xa xỉ.

Thế cho nên, thực trạng lạm dụng lao động trẻ em vẫn là tồn tại bao năm nay, không chỉ ở TPHCM mà còn hiện diện nhiều nơi ở nước ta. Thỉnh thoảng gióng lên vài cảnh báo để “nâng cao nhận thức” của người dân về quyền trẻ em cũng là điều cần thiết.

Nhưng ngoài chuyện tuyên truyền ý thức, ngoài việc tăng cường xử phạt những tổ chức cá nhân vi phạm, điều sâu xa hơn, mấu chốt hơn vẫn phải là giải quyết tốt hơn nữa sinh kế của người dân.

Khi miếng ăn, cái mặc vẫn còn là những cuộc vật lộn của một bộ phận người dân thì chuyện lạm dụng lao động trẻ em, xâm phạm quyền trẻ em sẽ khó mà giải quyết triệt để.

Theo Báo giấy