Trong tiến trình phát triển của đất nước, vùng ĐBSCL luôn có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đặc biệt, đây là vùng trọng điểm nông nghiệp, là trụ đỡ bảo đảm an ninh lương thực, là “vựa” lúa gạo, “vựa” trái cây, “vựa” thủy, hải sản của cả nước, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng cả Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đều chung nhận định, kết quả của quá trình phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Một vùng đất chiếm gần 13% diện tích tự nhiên, khoảng 19% dân số cả nước; nguồn lực đầu tư xã hội hằng năm chiếm đến 17%, nhưng thu ngân sách chỉ đạt khoảng 10% của cả nước; đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng lao động dịch chuyển ra khỏi vùng vẫn còn khá lớn…
Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, cần “4 mới” trong phát triển vùng đất “chín rồng” là: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới.
Trong đó, “tư duy mới” là chủ động kiến tạo phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên.
“Tầm nhìn mới” là phát triển vùng nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
“Cơ hội mới” là đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển, cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.
“Giá trị mới” là thực hiện quy hoạch, vùng ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2- 2,5 lần so với hiện nay.
Nêu yêu cầu tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.
Với Nghị quyết của Bộ Chính trị, thông điệp “4 mới” trong bản quy hoạch phát triển vùng và những cam kết đồng hành của các tư lệnh ngành Giao thông, NN&PTNT, các nhà đầu tư, hy vọng trong thời gian tới, vùng ĐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá, đúng tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lao động dồi dào của vùng đất lịch sử, Anh hùng này.