Khám phá ngôi làng cổ độc đáo xứ Huế sắp nâng hạng thành Di tích Quốc gia đặc biệt
TPO - Bên dòng sông Ô Lâu uốn lượn hiền hòa như vòng tay chở che xóm làng qua năm tháng, vùng đất nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều nét xưa độc đáo về kiến trúc, văn hóa, nghề truyền thống, nếp sống, phong tục, lễ hội, cảnh quan, cây di sản… khiến làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) càng trở nên độc đáo, đặc biệt.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
Đến nay, Phước Tích là ngôi làng thứ hai trong cả nước được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (vào năm 2009), sau làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, Hà Nội.
Làng nằm cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía Bắc. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều nét xưa độc đáo, “hiếm gặp” về kiến trúc, văn hóa, nghề truyền thống, nếp sống, phong tục, lễ hội, cảnh quan, cây di sản… khiến làng cổ Phước Tích (thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) càng trở nên độc đáo, đặc biệt.
Theo sử liệu, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tên ban đầu của làng là Phúc Giang. Đến thời Tây Sơn, làng Phúc Giang được đổi tên thành Hoàng Giang.
Thời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, thể hiện mong muốn về sự tích lũy phúc đức dành cho muôn thế hệ mai sau của dân làng. Làng có một hệ thống kiến trúc cổ, với kết cấu không gian gắn bó nhau theo tổ hợp nhà vườn, nhà rường truyền thống hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, sông nước hiền hòa, cây trái xanh tươi với những hàng chè tàu đặc trưng, những rặng tre.
Làng Phước Tích hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ. Đáng chú ý trong số đó là gần 30 ngôi nhà cổ (chủ yếu là loại nhà rường cổ ba gian hai chái), với 10 nhà cổ có giá trị đặc biệt, với tuổi thọ trên 100 năm.
Có một điều thú vị, các ngôi nhà cổ ở Phước Tích lại nằm liền kề nhau, chỉ ngăn cách bằng khu vườn xanh mướt. Bên cạnh nhà dân là hệ thống nhà thờ họ phái, với hơn 10 nhà thờ còn lưu giữ nét kiến trúc nhà rường truyền thống. Ngoài ra, tại Phước Tích còn có các công trình kiến trúc tín ngưỡng khá phong phú như đình làng, chùa, miếu thờ…
Ở Phước Tích hiện có những cây cổ thụ với tuổi đời gắn với tuổi làng. Trong đó, nổi bật nhất là cây thị cổ đã được công nhận là Cây di sản, với hơn 500 năm tuổi. Cây thị di sản gắn liền với miếu Cây Thị. Theo các vị cao niên của làng, đây là ngôi miếu cổ của người Chăm (trên 500 năm), là nơi thờ thần Ponagar (thờ Mẫu) đã Việt hóa trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất Thuận Hóa vào thế kỷ thứ 15, 16.
Làng Phước Tích còn có nghề gốm truyền thống nổi tiếng ra đời cách đây gần 500 năm, từng có thời kỳ phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 18-19 và những thập niên đầu của thế kỷ 20. Dân làng luôn tự hào trong số nhiều sản phẩm gốm Phước Tích, từng có loại om ngự là đồ ngự dụng được triều đình nhà Nguyễn đặt riêng để nấu cơm cho vua.
Liên tục trong nhiều kỳ Festival Huế, Phước Tích là nơi diễn ra lễ hội Hương xưa làng cổ tái hiện không gian văn hóa làng cổ, cùng nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, trình diễn kỹ năng nghề truyền thống, lễ hội áo dài, các hoạt động mang tính cộng đồng, sáng tạo nghệ thuật...
Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh TT-Huế, làng cổ Phước Tích - được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2009, hiện được bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị khá tốt. Khi Phước Tích được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh sẽ xây dựng thêm những đề án bảo tồn, gìn giữ nét đặc sắc, phát huy và "nâng tầm" giá trị văn hóa của làng cổ độc đáo này.