> Bộ bất ngờ việc học sinh Việt xếp trên Anh, Mỹ
> Học sinh Việt vượt Mỹ về Toán và Khoa học
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại buổi tọa đàm trực tuyến về giáo dục sáng nay 4/12 về kết quả đánh giá học sinh quốc tế 2012 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 3/12. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chúng tôi vui và bất ngờ với kết quả này, bởi Việt Nam lần đầu tiên tham gia chương trình đánh giá này vào năm 2012. Khi tham gia chúng tôi chỉ hy vọng học sinh đạt trung bình hoặc dưới trung bình và không ngờ chúng ta là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước tham gia nhưng có được chất lượng gây bất ngờ cho cả thế giới vì khi tham gia vào hoạt động của PISA 2012 so với các nước tham gia PISA, Việt Nam xếp thứ 69/70 về GDP bình quân đầu người và Việt Nam xếp thứ 70/70 về chỉ số HDI".
Việt Nam liều mình tham gia PISA
PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế" do OECD khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả - chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Quy mô của PISA là rất lớn và có tính toàn cầu. Qua 5 cuộc khảo sát đánh giá, ngoài các nước thuộc khối OECD còn có rất nhiều quốc gia là đối tác của khối OECD đăng ký tham gia. Cho tới nay PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất chỉ chuyên đánh giá về năng lực phổ thông của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.
Trong quá trình chuẩn bị về số liệu học sinh, danh sách các trường, các loại hình trường công lập, ngoài công lập, trường nghề, người ta (OECD - PV) nắm thông tin và chọn mẫu. Kết quả họ chọn 59 tỉnh thành được tham gia. Như vậy là ngẫu nhiên và ta không can thiệp vào được
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (theo Vietnamnet)
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, lần đầu tiên Việt Nam tham gia một kỳ thi mang tính quốc tế lại yêu cầu kỹ thuật cao và nghiêm ngặt như PISA, Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm tổ chức và dù đã có một số chuyên gia nhưng lực lượng chuyên gia chuyên nghiệp vẫn còn mỏng. Các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt rất ít, chủ yếu bằng tiếng nước ngoài, gây khó khăn không nhỏ cho việc tìm hiểu và tiếp cận với PISA lần này. Việt Nam chưa xây dựng được dữ liệu đầy đủ về các trường có học sinh ở độ tuổi 15, trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều loại hình trường, nhiều tổ chức quản lý, do đó rất khó khăn trong công việc chọn mẫu.
Trong khi đó, giáo viên và học sinh chưa từng được làm quen với các dạng đề thi của PISA, vì vậy, nếu không chuẩn bị kỹ cho học sinh làm quen với tư duy của các dạng đề thi PISA, học sinh sẽ khó có thể biết cách làm bài và trả lời đúng câu hỏi.
Nhìn chung, các kiến thức mà đề thi của PISA đòi hỏi là không hoàn toàn xa lạ với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, với cách thức ra đề thi và cách thức đánh giá của PISA, với cách dạy - học và cách đánh giá như hiện tại ở Việt Nam thì học sinh Việt Nam sẽ khó đạt kết quả cao khi tham gia PISA.
Bên cạnh đó, kết quả mỗi đợt đánh giá của PISA sẽ được công khai trên thế giới nên mang tính nhạy cảm. Nhiều nước đã không tham gia PISA vì không muốn bộc lộ sự yếu kém về kết quả làm bài của học sinh và thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng. Việc sẵn sàng vượt qua những e ngại trên đã là thách thức đối với Việt Nam.
Năng lực toán học Việt Nam vượt chuẩn quốc tế
Phân tích về kết quả đạt được của học sinh Việt Nam tại kỳ thi PISA, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển, lĩnh vực Toán học là lĩnh vực trọng tâm của kỳ PISA 2012. Việt Nam đứng thứ 17/65. Điểm trung bình Mean Score là 494 thì Việt Nam đạt 511. Như vậy, năng lực Toán học của HS VN ở top cao hơn chuẩn năng lực của OECD.
Đối với lĩnh vực Đọc hiểu: Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508, như vậy, năng lực Đọc hiểu của HS VN cao hơn chuẩn năng lực của OECD (xem bảng dưới).
Lĩnh vực Khoa học: Việt Nam đứng thứ 8/65. Điểm trung bình Mean Score là 501 thì Việt Nam đạt 528. Kết quả thi của Việt Nam khá cao so trong bảng xếp hạng các nước trên thế giới tham gia kỳ thi PISA 2012, đứng trong top 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn điểm 500.
Vì sao năng lực khoa học cao hơn Toán và Đọc hiểu?
Vì sao kết quả về năng lực Khoa học (science) cao hơn Toán và Đọc hiểu trong khi đánh giá science là 1 lĩnh vực mới, đầy khó khăn đối với HS Việt Nam?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Kỳ 2012, PISA tập trung vào lĩnh vực Toán học làm trọng tâm, nên đã có nhiều câu hỏi mới được biên soạn đáp ứng theo khung đánh giá năng lực hiện đại. Do đó, các bài thi Toán học có số lượng nhiều, mới lạ, được cập nhật và đôi khi là những tình huống quá mới lạ với HS VN. Do đó, học sinh phải làm rất nhiều câu hỏi Toán học, không đủ thời gian làm bài, đành bỏ lại 1 số câu sau của quyển đề thi, mặt khác vì nhiều câu hỏi nên các lỗi về giải toán sẽ mắc nhiều hơn. HS VN chưa được làm quen một số dạng toán gần đúng nên khó tính tóan, suy luận; Một số tình huống xa lạ không có ở VN, nên HS trả lời theo ước đoán, thiếu chính xác.
Lĩnh vực Đọc hiểu đạt kết quả thấp nhất trong 3 lĩnh vực là do đọc hiểu của PISA là đọc và trả lời các loại văn bản, nhiều loại hình văn bản nhật dụng như văn bản hành chính, văn bản Toán học, văn bản khoa học, thậm chí vẽ hình thay vì viết câu trả lời,... Văn bản mới lạ, nhiều tình huống xa lạ không giống như ở trường GV thường ra đề. Khi không hiểu rõ câu hỏi, không hiểu rõ văn bản, thời gian trả lời câu hỏi ngắn, HS đã không làm chủ tốc độ làm bài và bỏ lại 1 số câu hỏi. Có 1 số câu hỏi Đọc hiểu HS mình làm không được tốt lắm. Ví dụ: Câu hỏi yêu cầu học sinh vẽ hành trình đi đến điểm Cực Nam của ông Musel, thì HS cứ viết câu trả lời, do chưa được làm quen với yêu cầu cần thực hiện dạng này. Câu hỏi này không khó, hầu hết HS các nước OECD làm được nhưng HSVN lại không làm được.
Về Khoa học (science): Thực tế, đây là lĩnh vực gặp nhiều thách thức nhất của HS VN, do đặc điểm chương trình giáo dục của VN không có môn học mang tên science trong nhà trường THCS và THPT mà HS được học các môn riêng rẽ Lý, Hóa, Sinh nên hạn chế về năng lực tư duy tổng hợp, liên lĩnh vực.
Tuy nhiên, các câu hỏi Khoa học được đưa vào đề thi lần này là các link unit (các bài đã đã được sử dụng trong kỳ PISA trước), đồng thời đó là các tình huống khá quen thuộc như về sữa, về ô tô, về một số loài sinh vật. Các dạng câu hỏi cũng ở mức độ khó vừa phải nên HS VN đã trả lời rất tốt.
Tiếp tục tham gia PISA
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, Việt Nam đã rất nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật và các nguyên tắc của OECD. Kết quả thực hiện phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy. Học sinh VN đã nỗ lực và cố gắng hết mình để hoàn thành bài thi, đạt kết quả tốt. Điều đó cho thấy HS VN học rất khá, không thua kém gì HS ECD.
Lãnh đạo Bộ khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng - của từng điạ phương (không phải là đánh giá kết quả của các cá nhân các học sinh).
"Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua mọi khó khăn thách thức để chuẩn bị cho kỳ khảo sát PISA 2015. Tháng 4/2014 sẽ tổ chức KSTN, tháng 5/2015 tổ chức KS chính thức. Kỳ này trọng tâm là Science, không đơn giản như science 2012 nên VN phải cố gắng rất nhiều" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
PISA được thực hiện theo chu kì 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2000). Đối tượng đánh giá là học sinh trong độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia (15 năm 3 tháng đến 16 năm 2 tháng - độ tuổi PISA). PISA hướng vào các trọng tâm về chính sách, được thiết kế và áp dụng các phương pháp khoa học cần thiết để giúp chính phủ các nước tham gia rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.
Mục đích của PISA nhằm kiểm tra xem, khi đến độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc học sinh đã được chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào.
Theo Hồng Hạnh
Dân Trí