Hung hăng, vì sao?

TP - Hôm qua, Công an TPHCM nói rằng, thành phố này không phải là địa phương có nhiều vụ đánh lộn trong dịp lễ và 300 trường hợp nhập viện do ẩu đả tại TPHCM có thể từ nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là đang có quá nhiều vụ đánh lộn. Chính đại diện Công an TPHCM cũng thừa nhận thực trạng này và nói sẽ có đề án nghiên cứu, đánh giá các loại tội phạm bắt nguồn từ cái họ gọi là “mâu thuẫn xã hội”. Không chỉ dịp này, ngay trong Tết Nguyên đán vừa qua, chỉ trong 8 ngày Tết đã có  hơn 5.600 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó 15 người thiệt mạng. Có thể chưa có thống kê của các năm trước đó để so sánh, nhưng chỉ con số hơn 5.600 người nhập viện và 15 mạng người mất đi chỉ vì ẩu đả, do những mâu thuẫn lắm khi là rất nhỏ đã đủ để nói lên nhiều điều.

Vì sao người ta sẵn sàng đánh lộn, sẵn sàng gây án từ những mâu thuẫn không đâu? Phải chăng người Việt chúng ta đang trở nên hung hăng hơn? Đây là câu hỏi lớn và rất nhức nhối, bởi khi người với người nhìn nhau với con mắt hằn học, ác độc và thói hung bạo, côn đồ lúc nào cũng lăm le bùng phát thì những con người có lương tri phải tự hỏi cơn cớ nào dẫn đến nông nỗi này?

Trong một lần đi công tác Trung Quốc, tôi được Trương Lập,  nghiên cứu sinh ngành tiếng Việt, dặn dò khi vào quán ăn ở Nam Ninh, Trung Quốc rằng, đừng nhìn vào đám thanh niên, nhất là khi chúng nó đang uống bia rượu bởi rất dễ bị chúng đánh. Trương Lập nói người Trung Quốc, nhất là thanh niên, rất dễ gây gổ, đánh giết nhau, nhiều khi chỉ vì một cái “nhìn đểu”. Trương tự lý giải rằng, nguyên nhân là do “đông người quá, ai cũng tranh nhau sống, lâu dần thành ra như thế”. Lời Trương nói không phải không có lý, nhưng sâu xa còn ẩn chứa nhiều lý do khác.

Dường như đây mà mẫu số chung của những xã hội đang chuyển mình trong cả về tâm hồn lẫn đời sống vật chất. Trong xã hội ấy, người ta ngày càng giàu lên, lối sống vật chất lên ngôi nhưng khoảng cách giữa nhóm nhỏ giàu có và nhóm đa số ngày càng doãng rộng. Một số giàu lên về của cải nhưng lại nghèo đi về văn hóa, về tính chân, thiện, mỹ, rời xa nhân nghĩa, bỏ quên lễ, nhạc…

Chỉ vì tức tối một con chó bị bắt trộm mà đám đông sẵn sàng lấy đi mạng sống của người khác một cách hả hê. Chỉ vì chút lợi nhỏ mà đám đông tranh nhau trèo rào để mất hết cả liêm sỉ. Chỉ vì một miếng ăn miễn phí mà cũng đua chen nghẹt thở. Chỉ vì suất cơm bụi từ thiện phát không cho người nghèo mà vẫn có kẻ đi xe máy trị giá hàng trăm triệu đồng vào ăn ké. Chỉ vì tranh giành chỗ đậu xe mà hai người đàn ông lam lũ xông vào giết nhau…

 Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại mình và tự vấn: vì đâu cái ác, cái xấu cái hung bạo đang trỗi dậy?