Cả nước thêm 51 người mắc sởi, 2 ca tử vong
Chiều tối 21/4, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi trong số 230 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Có 2 ca tử vong tại BV Bạch Mai và 1 bệnh nặng xin về ở BV Nhi T.Ư.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 3.481 trường hợp mắc sởi trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Như vậy đã có 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
Tại BV Nhi T.Ư ngày 21/4 điều trị cho 254 bệnh nhân, với 9 ca nhập viện mới, 2 ca mắc sởi chuyển từ khoa khác sang, 17 bệnh nhi thở máy. Tại BV Bạch Mai đang điều trị cho 67 bệnh nhân, trong đó có 8 bệnh nhân mới, 9 bệnh nhân nặng và 3 ca thở máy. Tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 71 bệnh nhân.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến ngày 21/4, cả nước đã tiêm vét vắc-xin sởi đạt 63,05%, tăng 4% so với ngày 20/4. Bộ Y tế nhận định, số trường hợp nhiễm sởi từ các khoa khác tại BV Nhi T.Ư trong 2 ngày gần đây đã giảm rõ rệt, mỗi ngày ghi nhận 2-3 trường hợp so với trên 10 trường hợp những ngày trước đó. Các trường hợp nặng xin về liên quan đến sởi trong ngày là những trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc-xin.
Miền núi dập được, tại sao Hà Nội, TPHCM lại không?
Sáng qua (21/4), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm bệnh nhân sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư và BV Đống Đa. Bà Tiến cho biết, dịch bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng đã được dập tắt kịp nhờ biện pháp phòng chống kịp thời, chỉ tỉnh Yên Bái có 2 ca tử vong.
Bà Tiến đặt câu hỏi với các chuyên gia dịch tễ tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư: “Miền núi họ dập được dịch tại sao Hà Nội và TPHCM là những nơi có điều kiện tốt hơn nhiều lần lại để dịch bùng phát mạnh với nhiều ca tử vong như thế? Nguyên nhân là gì và chúng ta có biện pháp gì để giảm số ca tử vong?”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh T.Hà
Ngay trước giờ thị sát tình hình bệnh sởi của Bộ trưởng Y tế, tại BV Bạch Mai lại có thêm một em bé 25 tháng tuổi đang điều trị sởi tại Khoa Nhi bị tử vong. Trước đó vài tiếng vào lúc 2 giờ sáng, cũng có một bé khác 9 tháng tuổi ở Hà Nội tử vong vì sởi tại Khoa Nhi BV này.
Trẻ 25 tháng tuổi nói trên đã không qua được cơn nguy kịch sau 1 tháng chống chọi với bệnh sởi.
Người mẹ bất hạnh đưa đứa con đầu lòng về an táng, nỗi đau mất con chưa nguôi thì nỗi lo cho đứa con thứ hai mới 7 tháng tuổi lại ập đến. Đứa con còn lại của chị cũng đang cấp cứu phải thở oxy do biến chứng viêm phổi tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai). Bác sĩ điều trị cho biết, đây là chùm ca bệnh đặc biệt vì cả 2 anh em ruột đều bị quá nặng.
Trước đó, cũng có chùm bệnh nhân nhưng chỉ một trong 2 bé bị nặng và đều được cứu sống. Bà ngoại của 2 bệnh nhi cho biết, mẹ của các bé bị sởi sau đó lây sang cho cậu con trai đầu rồi đến bé thứ 2. Ba mẹ con được đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị nhưng do bệnh cảnh của 2 bé quá nặng đã được chuyển sang Khoa Nhi (BV Bạch Mai) thở máy.
4 nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát
Bộ trưởng Y tế chỉ ra 4 nguyên nhân khiến dịch sởi hoành hành mạnh trong thời gian qua.
Theo bà Tiến, nguyên nhân đầu tiên là người dân lơ là việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tiếp đó là việc do thiếu hiểu biết về bệnh sởi nên khi con bị bệnh bố mẹ đổ xô đưa lên tuyến trung ương gây quá tải. Đây là nguyên nhân khiến 95% ca tử vong tập trung ở BV Nhi T.Ư. Nguyên nhân thứ 3 là vì quá tải bệnh nhân nên bệnh nhi dễ bị bội nhiễm các virus khác, lây chéo và nhiễm trùng BV. Cuối cùng là do thời tiết ẩm thuận lợi cho virus phát triển.
Bà Tiến cho rằng, việc chỉ ra được những nguyên nhân khiến dịch sởi lan rộng sẽ giúp ngành Y đẩy mạnh giải pháp nhằm làm giảm sự lây lan của dịch.
Bộ trưởng Tiến nói: “Những ngày qua số trẻ nhập viện Nhi từ 30 trẻ đã giảm còn 5-10 cháu ngày. Nếu cứ quá tải thì chỉ có cách nằm ngoài bạt để chữa bệnh. Tôi đã trao đổi với bác sĩ các tuyến, họ đều nói không cản được bệnh nhân vượt tuyến, nếu cản họ bỏ về và tự ý vượt tuyến, lên tuyến trung ương bác sĩ cũng không thể không nhận vào điều trị.
Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan truyền thông đã tuyên truyền giúp nếu không Bộ Y tế có phân luồng kiểu gì cũng không giải quyết được tình trạng quá tải và vượt tuyến vừa qua”.
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết để hạn chế dịch sởi Bộ Y tế đang triển khai giải pháp số một nhằm hạn chế các ca tử vong, đứng thứ hai là giảm các biến chứng và phân tuyến điều trị bệnh nhân. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết đã thành lập khu vực cách ly bệnh nhân sởi và thực hiện đường đi một chiều tại khu vực này để hạn chế lây lan bệnh sởi ra khu vực xung quanh.