Hội thảo quốc tế tìm giải pháp cho vấn đề biển Đông

TP - Chiều 25/7, tại TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam họp báo công bố việc tổ chức Hội thảo quốc tế “Những sự kiện pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. 

Hội thảo được tổ chức tại Dinh Thống Nhất, TPHCM ngày 26/7 với sự tham gia của 50 học giả là những chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín về luật quốc tế, luật biển quốc tế.

Hội thảo lần này mang tính thực tiễn cao, chỉ tập trung vào khía cạnh pháp lý, đánh giá, phân tích sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đưa ra các biện pháp hòa bình như chính trị, ngoại giao, pháp lý để giải quyết tranh chấp. 

Do vậy, ban tổ chức tập trung mời các chuyên gia từ những nước có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp pháp lý, như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines... Hội thảo lần này có các chuyên gia từng tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế với tư cách thẩm phán, luật sư như giáo sư luật quốc tế Alexander Yankov, nguyên thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế.

Sáng cùng ngày, một hội thảo quốc tế kéo dài hai ngày (25 và 26/7) về biển Đông khai mạc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM). Các học giả gửi 22 bản tham luận tới hội thảo, nội dung chủ yếu bàn về chính sách, cách thức quản lý xung đột bằng biện pháp ngoại giao, hòa bình, chấp hành luật pháp quốc tế. Điểm đáng chú ý tại hội thảo là tham luận của ông S.D Pradhan, cố vấn an ninh của Thủ tướng Ấn Độ, người có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết tranh chấp với các quốc gia láng giềng. 

Theo ông Pradhan, cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực để ký kết, thông qua các hiệp ước liên quan biển Đông, nhưng Trung Quốc không tôn trọng, dẫn đến tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng, có nguy cơ xảy ra xung đột. 

Ông Pradhan kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, “đủ mạnh để hỗ trợ các quốc gia nhỏ, yếu hơn về an ninh trong khu vực”.