Năm 1966, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được xây dựng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách, giúp kết nối khu vực đồng bằng với khu vực Tây Bắc Nghệ An.
Tuyến đường dài 32km, từ thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu), đi huyện Nghĩa Đàn (nay thuộc địa phận thị xã Thái Hòa) có 3 nhà ga, 6 trạm gác chắn. Thời “hoàng kim”, tuyến đường này có hàng trăm lao động làm việc tại các nhà ga, gác chắn, thông tin tín hiệu.
Ngoài nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, ngày đó tuyến đường sắt này còn có nhiệm vụ quan trọng trong việc vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí từ đồng bằng lên khu vực Nghĩa Đàn, sau đó theo đường rừng vào Nam.
Ông Nguyễn Văn Vinh (45 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Đàn) cho biết, có thời kỳ nở rộ phong trào đi đào đá đỏ ở Quỳ Châu đầu những năm 1990. Ngày đó, mỗi ngày chỉ có 1 đôi tàu khách lên xuống nhưng khi nào cũng chật cứng khách. Song mấy năm nay cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò.
Khi quốc lộ 48 được đầu tư mở rộng, những đoàn ô tô vận tải nối đuôi nhau ngược xuôi ngày một nhiều. Đây cũng là lúc tuyến đường sắt này dần đi vào dĩ vãng. Sau nhiều năm gắng gượng, năm 2006, ngành đường sắt đành phải dừng hoạt động vận tải hành khách. Sáu năm sau, chuyến tàu hàng cuối cùng cũng phải dừng hoạt động.
Nhiều đoạn đường ray đã bị cỏ che lấp, chẳng ai còn có thể hình dung được đây từng là một nhà ga sầm uất của khu vực Tây Bắc xứ Nghệ.
Dọc đường ray, cỏ mọc um tùm, hàng loạt điểm giao nhau với đường bộ cũng đã bị đắp đất đá để thuận tiện hơn trong đi lại.
Trẻ em thoải mái chơi đùa trên đường ray.
Lãnh đạo Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, tuy tàu không chạy, nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định khi nào thì ngừng hẳn. Mỗi năm ngành giao thông đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng cho việc duy tu bảo dưỡng tuyến đường này, nay đã cắt xuống còn gần 1,4 tỷ đồng để chi trả lương cho nhân viên.
Dù chưa biết số phận tuyến đường sắt này sẽ đi về đâu, song công ty này vẫn luôn đảm bảo lực lượng bảo vệ tránh bị kẻ xấu phá hoại, tháo trộm sắt...
Cảnh Huệ