Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên trần tình vụ học sinh gãy chân

TPO - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên lần đầu phân trần sau vụ học sinh bị ô tô đâm gãy chân ở trong trường.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên.

"Diễn biến phức tạp khiến chúng tôi rất mệt mỏi"

Liên quan đến sự việc em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2A4, Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), sáng 15/2, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Nam Trung Yên.

Bà Ngọc cho biết, vào ngày 1/12/2016, cháu Trần Chí Kiên, học sinh đang học lớp 2A4, Trường TH Nam Trung Yên bị ngã trong giờ ra chơi. Ngay sau khi sự việc cháu Kiên bị ngã (lúc đó chưa biết học sinh Kiên bị gãy chân - PV), Ban Giám hiệu nhà trường đã kịp thời phân công giáo viên chủ nhiệm (cô Trần Thị Thu Nhung – PV) cùng với nhân viên y tế của trường đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu và báo tin cho gia đình biết.

“Tuy nhiên, sau 12 ngày đầu cháu điều trị, chúng tôi không biết sau này sự việc lại trở nên phức tạp và có nhiều thông tin trái chiều đến mức cho là “cô Hiệu phó lái ô tô chở cô Hiệu trưởng vào trường đã va phải cháu Kiên” như vậy? Bởi, sau khi biết sự việc, chúng tôi hoàn toàn làm theo trách nhiệm và tình cảm của nhà trường, coi học sinh con cháu nhà mình. Không những thế, bố mẹ cháu Kiên khi đó còn cảm ơn nhà trường. Nhưng sự việc này sau đó dường như diễn biến phức tạp khiến chúng tôi rất mệt mỏi về những thông tin chưa chính xác về vụ việc này… Ban đầu thì nhà trường được cô Nhung – GVCN, báo cáo tường trình là cháu Kiên bị ngã, cho nên chúng tôi không nghĩ đến việc taxi va phải cháu hoặc cháu va phải taxi", bà Ngọc phân trần.

Hiệu trưởng Ngọc cho biết: “Nhà trường đã rất tin tưởng vào GVCN, nên khi cô Nhung báo cáo là cháu Kiên tự chạy và tự ngã, rồi gia đình cũng qua cô Nhung gửi lời cảm ơn nhà trường nên quả là chúng tôi không ngờ đến việc cháu Kiên có bị va chạm với taxi”. Trong thời gian cháu Kiên nghỉ học điều trị, nhà trường rất quan tâm, đã cử cô Nhung hàng ngày xuống nhà riêng ở phố Kim Đồng để dạy học cho cháu. Ngay cả kỳ thi học kỳ 1, nhà trường cũng cho cô Nhung đem đề thi Toán và Tiếng Việt xuống nhà cho cháu Kiên làm trước sự chứng kiến của bà nội cháu. Kết quả thi của cháu rất tốt. Điều đó khẳng định nhà trường không hề vô cảm mà hết sức trách nhiệm, quan tâm học sinh”, bà Ngọc khẳng định.

Hỏi về diễn biến sự việc, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian vừa qua, bản thân có triệu chứng sức khỏe bị mệt kéo dài, có hiện tượng đau bụng… cần phải kiểm tra ngay, nên vào khoảng 6h30 ngày 1/12/2016, tôi có nhờ cô Hương – Phó Hiệu trưởng nhà trường gọi taxi rồi cùng đi tới bệnh viện Việt Đức để khám bệnh.

Sau khi khám xong, chúng tôi ra cổng bệnh viện gặp taxi và đi về trường. Vì tôi phải gây mê (để nội soi dạ dày, trực tràng, đại tràng và cả sinh thiết) vẫn còn mệt nên tôi và cô Hương mới đi taxi vào trường (cổng sau – khu vực cấm học sinh vui chơi. Học sinh được bố trí chơi ở sân trước, rộng, an toàn, có bảo vệ trông coi). 

Cũng theo bà Ngọc: “Trong quá trình ngồi trên xe, tôi khẳng định không có hiện tượng va chạm vào bất kì học sinh nào trong trường nên trở về để làm việc bình thường. Cô Hương đi cùng bên cạnh (vì lúc đó tôi vẫn còn choáng), tôi lên phòng ở tầng 2 cất túi, sau đó cùng nhau xuống phòng tài vụ ở tầng 1. Thời điểm này là dịp cuối năm, Nhà trường rất bận vì chuẩn bị quyết toán, thi giáo viên dạy giỏi, ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi học kỳ I…

“Không có chuyện tôi trốn tránh trách nhiệm”

Trao đổi với phóng viên, Bà Tạ Thị Bích Ngọc khẳng định, bà không lái xe khi xảy ra vụ việc và không có chuyện trốn tránh trách nhiệm trong chuyện này.

“Tôi  không ngồi trên chiếc xe va vào học sinh Trần Chí Kiên. Tôi không nhìn thấy xe ô tô nào đâm vào cháu vì theo lẽ thông thường bất kì ai nhìn thấy tai nạn cũng phải giúp đỡ và bảo vệ em bé không ai dại gì lại bảo vệ người lái chiếc taxi đó”- bà Ngọc chia sẻ.

Cũng theo bà Ngọc, “Tôi là người đứng đầu trong nhà trường, xây dựng và vun đắp cho sự phát triển của nhà trường, chăm chút từng học sinh trong bao nhiêu năm qua thì không thể cư xử vô cảm, thiếu trách nhiệm”- bà Ngọc khẳng định.

“Việc tìm được lái xe hôm đó làm tôi rất mừng và lái xe phải chịu trách nhiệm của lái xe. Sự việc sẽ do cơ quan giải quyết”- bà Ngọc nói
Cũng theo bà Ngọc, lời khai của lái xe không đúng: “Tôi không là chủ phương tiện nên tôi không phải né tránh, sao tôi phải né tránh’- bà Ngọc khẳng định.

Bà Ngọc chia sẻ, “Tôi biết xe đâm vào cháu sẽ giữ ngay xe lại, bất kì là ai thì cũng phải làm chuyện đó huống chi là học sinh của tôi, hàng ngày tôi thương yêu. Anh lái xe chỉ là phương tiện thuê đi đường, không họ hàng thân thích không có cớ gì bảo vệ anh taxi. Tôi khẳng định 100% là không bao giờ có chuyện đó”.

Về việc cơ quan điều tra tìm được lái xe chở bà đi viện hôm đó, bà Ngọc cho rằng bà rất vui. Tuy nhiên, theo bà Ngọc, những lời khai của taxi hay vợ của taxi là vô lí và khó chấp nhận được.

Được biết, cơ quan công an đã tiến hành thực nghiệm hiện trường và triệu tập người tài xế taxi được cho là đã chở bà Tạ Thị Bích Ngọc vào hôm xảy ra sự việc để điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn khiến học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân ở phía cổng phụ của trường. 

Rút kinh nghiệm một cách sâu sắc

Nói về thông tin bà Tạ Thị Bích Ngọc trao đổi với báo giới trước đó rằng: “Trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan, 100% cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ô tô nào trong sân trường”?   

Vị hiệu trưởng này giải thích, “Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, BGH, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các cô giáo có liên quan làm rõ việc này. Chúng tôi thiết nghĩ việc làm này là khách quan nhất là trong lúc chưa nghĩ được cách nào tốt hơn nên đã phát phiếu tới học sinh từ khối 2 đến khối 5 (Khối 1 không phát vì các cháu chưa đọc và hiểu hết nội dung của văn bản). Sau đó các cô báo cáo kết quả khảo sát của giáo viên và học sinh cùng các bản tường trình của những người liên quan trực tiếp.”- bà Ngọc cho biết.

Cũng theo bà Ngọc, do cách làm chưa tốt nên việc khảo sát đã gây nên sự hiểu lầm là trốn tránh trách nhiệm. Sự thật là chúng tôi không có nghiệp vụ trong việc điều tra sự việc nên chúng tôi nghĩ đơn giản khảo sát là phát phiếu tới tận tay từng học sinh và giáo viên mới đảm bảo sự khách quan. 

“Chúng tôi cũng xin rút kinh nghiệm một cách sâu sắc qua việc này rồi”- bà Ngọc phân trần.

Tôi không đồng ý với lý giải của bà hiệu trưởng trường Nam Trung Yên

Chiều 15/2, sau những trần tình của bà hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên; trao đổi với Tiền Phong anh Trần Chí Dũng, phụ huynh cháu Trần Chí Kiên- học sinh bị ngã trong sân trường cho rằng: “Anh không đồng ý với cách lý giải của bà hiệu trưởng”.