PGS Văn Như Cương lên tiếng về hiệu trưởng nhập nhèm vụ học sinh gãy chân

Cháu Trần Chí Kiên vẫn đang phải nghỉ học, nằm nhà do tai nạn gãy chân trong trường học.
Cháu Trần Chí Kiên vẫn đang phải nghỉ học, nằm nhà do tai nạn gãy chân trong trường học.
TPO - "Trước đây, tôi tin cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên vì cô là hiệu trưởng và những gì cô đã khẳng định không đi ô tô vào ngày hôm cháu bé bị đâm trong trường. Nhưng đến bây giờ, niềm tin ấy đã bị sụp đổ. Sự chống chế, sự quanh co là không thể chấp nhận được ở một vị hiệu trưởng như thế”- PGS Văn Như Cương nhận định.

Trước thông tin  Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc làm rõ “nghi vấn” xe chở nữ hiệu trưởng trường này đâm trúng học sinh ngay tại sân trường mà dư luận phản ánh, PGS Văn Như Cương cho rằng, việc này là hoàn toàn đúng đắn.

Cũng theo PGS Cương, một người bình thường khi thấy một người bị ngã sẽ xuống xe và nâng đỡ người đau dậy, đưa đi viện ngay: “Còn đây cô hiệu trưởng lại làm hoàn toàn ngược lại. Một vị hiệu trưởng mà có nhân cách như thế thì đáng buồn”.

PGS Cương cho rằng, một người trong xã hội văn minh là khi có lỗi phải biết nhận lỗi và nhận khuyết điểm: “Đằng này, cô đã ngồi trên xe đâm vào một đứa trẻ phải bó bột và còn không nhận lỗi thì không nên”- ông Cương chia sẻ.

Cũng theo PGS Cương, trong trường hợp này đình chỉ cô hiệu trưởng để làm rõ là việc nên làm. Vì nếu chỉ cảnh cáo, phê bình, làm nhẹ khiến mọi việc lại đâu vào đấy thì sẽ làm mất niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

“Theo tôi, cần đình chỉ chức vụ hiệu trưởng và không nên bố trí cô này vào trường nào đó, đi dạy vài năm rồi sau lại nên phó hiệu trưởng, hiệu trưởng. Cần đưa vị hiệu trưởng này vĩnh viễn ra khỏi ngành giáo dục”- PGS Cương nhấn mạnh.

Gia đình không đồng tình với phát biểu của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Sáng 8/2, phóng viên nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Sở GD&ĐT và Phòng giáo dục quận Cầu Giấy tìm hiểu về vụ việc nhưng không liên lạc được.

Trao đổi với PV, Ông Trần Chí Dũng, bố cháu Trần Chí Kiên, lớp 2A4 trường Tiểu học Nam Trung Yên, Cầu giấy, HN xác nhận, thông tin Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc làm rõ “nghi vấn” xe chở hiệu trưởng đâm trúng học sinh là qua kênh báo chí.

Ông Dũng cũng cho biết, về phía gia đình dù đã viết đơn kêu cứu gửi lên trước đó nhưng chưa bao giờ được làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội.

“Tôi không đồng tình với phát biểu của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng gia đình đưa sự việc này vì bức xúc việc nhà trường không thăm hỏi cháu là không đúng. Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin dựa trên báo cáo của phòng giáo dục, mà thông tin này chỉ là thông tin một chiều và cố tình cung cấp sai về vụ việc này”- ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, hiện tại con trai anh phải ngồi một chỗ chưa đi lại được. Vì xương bị gãy rời ra nên khi ra viện hôm 26/12, của bác sĩ phải tới cuối tháng 2 này mới đến khám lại và mới biết có thể tập đi được chưa. Hiện tại, hàng ngày có giáo viên ở trường đến dạy cháu cho theo kịp chương trình.

“Gia đình chỉ mong muốn, trong thời gian tới, sự thật về vụ việc sớm được sáng tỏ”- ông Dũng cho hay.

Trước đó, trong sáng 6/2, tại cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc làm rõ “nghi vấn” xe chở hiệu trưởng đâm trúng học sinh ngay tại sân trường mà dư luận phản ánh. 

Theo ông Trần Chí Dũng, bố cháu Trần Chí Kiên, việc xe chở hiệu trưởng đâm trúng học sinh ngay tại sân trường tiểu học Nam Trung Yên vào cuối tháng 12/2016. Vụ tai nạn xảy ra ngay trong sân trường khiến con anh bị gãy xương đùi phải nhập viện, mổ ghép xương, bó bột vậy mà trường trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 12/12/2016, gia đình anh Dũng đã làm việc với Hiệu trưởng, cô giáo Khối trưởng khối 2, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 và lớp 2 của cháu Kiên. Theo anh Dũng, phía nhà trường không nhận trách nhiệm với vụ việc mà vẫn cho rằng Kiên tự ngã do chạy nhảy ở sân sau của trường và tự gây chấn thương. 

"Khi gia đình đưa ra bằng chứng và các đánh giá chuyên môn của bác sĩ thì phía nhà trường lại cho rằng cháu Kiên có thể chạy và va vào xe của giáo viên đang đỗ trong sân trường", anh Dũng kể lại. 

Trong một cuộc trao đổi với báo chí sau đó, Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc cho biết trường chỉ có 3 ô tô và không có xe nào màu xanh nước biển như học sinh kể. "Trường đã lấy phiếu khảo sát của các cá nhân và học sinh liên quan, 100% cho biết không nhìn thấy cháu Kiên va chạm với ô tô nào trong sân trường", bà Ngọc nói. 

Đánh giá khảo sát của nhà trường là "hành động đối phó" vì khi sự việc xảy ra ở sân sau trường và thời điểm chuông vào giờ học, học sinh không nhiều nên khảo sát không chính xác, phụ huynh Dũng cho rằng "nếu không bị hướng dẫn hay dọa dẫm, trẻ sẽ không bao giờ nói sai sự thật". Con số 100% học sinh và cả giáo viên không nhìn thấy kia "có sự gian dối". 

Đến khi công an vào cuộc, cô Ngọc “mới nhớ ra” ngày 1/12, khoảng 9 giờ 30 sáng cô đi khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức, sau khi khám xong có thuê 1 xe taxi về trường cùng một giáo viên khác. Về đến trường, cô Ngọc cho phép taxi đi thẳng vào cổng trường tuy nhiên sau khi rời xe cô đi thẳng lên phòng làm việc. Sau đó, cô được thông báo có học sinh bị ngã, cô đã chỉ đạo giáo viên chạy xuống xem xét sự việc còn mình tiếp tục làm việc.

Cô Ngọc cũng khẳng định, khi mình ngồi trên xe taxi để vào trong sân trường, không có vụ va chạm nào xảy ra cả. Trong khi đó, cháu Trần Trung Kiên sau khi được cấp cứu, hồi sức đã nói với gia đình: “Con bị va vào một chiếc xe màu xanh, trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác”.

Hơn 2 tháng sau vụ việc, ông Dũng cho hay, Ban giám hiệu nhà trường vẫn chưa thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, vẫn lòng vòng về nguyên nhân vụ tai nạn. Chính sự "thiếu trung thực của nhà trường" đã khiến sự việc đi xa hơn. 

MỚI - NÓNG