Hết thời làm đẹp

TP - Trái với vẻ xôm tụ thường khi, tại thời điểm này, việc công bố kết quả kinh doanh của giới “buôn tiền” bỗng dưng yên ắng lạ. Hiện chỉ lác đác số ít ngân hàng công bố các chỉ số trong đó việc đạt mục tiêu đề ra cho năm 2012 rất hy hữu; còn phần nhiều đều chung cảnh... tụt lùi.

> Cũng nên 'một cửa'
> Họa từ miệng

Trong khi lãi ròng sụt giảm mạnh thì một con số chả mấy nhà băng mong lại cứ phình dần: nợ xấu.

Thực ra, chuyện nợ xấu ngân hàng không phải bây giờ mới có. Nếu soi xét kỹ từ báo cáo tài chính những năm qua, đã thấy rủi ro này tiềm ẩn từ lâu. Còn nhớ, đi kèm những con số tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm liên tục giai đoạn từ năm 2007 đến 2010, khi ấy các ngân hàng luôn lấp lánh ánh hào quang lợi nhuận.

Sức hấp dẫn của lợi nhuận khiến nhiều khi người ta cố tình quên đi quy định nghề nghiệp, sự tuân thủ bắt buộc trong mối quan hệ vay và cho vay, những rủi ro có thể xảy đến với món vay này, dự án nọ.

Và quan trọng hơn, để làm đẹp sổ sách kinh doanh cuối năm, gây “sốc” với cổ đông, hay giới đầu tư, rất nhiều nhà băng sẵn sàng “mông má” các con số, thổi phồng lợi nhuận.

Một chuyên gia nhớ lại: Thời điểm đó, cả xã hội như “phát rồ” khi thấy các ngân hàng cứ tới tấp công bố lãi hàng trăm thậm chí vài ngàn tỷ đồng mà ít ai hay, để có số đẹp đó, không ít bộ phận trong giới kinh doanh tiền đã làm ngơ “quên” những quy định chặt chẽ về trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể hơn, chuyên gia này phân tích: Nếu như tại các nền kinh tế phát triển, một phần lớn chiếc bánh lợi nhuận được “cắt” ra từ nguồn thu dịch vụ thì ở Việt Nam, nhiều năm qua, miếng to này lại có gốc từ cho vay tín dụng và từ những công ty "sân sau" của các ngân hàng thuộc các vùng “nhạy cảm” như kinh doanh vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán.

Đến khi các thị trường này “đổ bệnh”, rủi ro hay chính xác nợ xấu từ những khoản vay qua các kênh đầu tư này bắt đầu lộ diện.

Tại thời điểm này, với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước cấm các ngân hàng chia cổ tức nếu không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, bức tranh lợi nhuận năm vừa qua đã phần nào sáng tỏ. Dự báo chung, nếu trích lập đầy đủ, không ít ngân hàng sẽ không có lợi nhuận, thậm chí lòi đuôi thua lỗ.

Chưa kể, một số ngân hàng với việc cho vay quá đà vốn huy động hay tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn rất có thể sẽ phải chấp nhận cảnh “tan đàn, xẻ nghé”, hoặc biến mất tên trên thị trường tài chính.

Có câu “giục tốc bất đạt”. Vận vào câu chuyện lãi khủng của các ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung thời gian qua, ít nhiều cũng hợp tình, hợp cảnh. Cho dẫu là “phi thương bất phú” thì vẫn nên lấy giá trị lõi làm gốc và phải biết lượng sức mình.

Lại nhớ tới hình ảnh của ông chủ từng giữ vị trí giàu nhất nhì trên sàn chứng khoán - đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm - mới đây từng công khai thừa nhận tập đoàn của ông và gia đình đang nợ con số xấp xỉ 500 triệu USD và một câu nói khá ngậm ngùi: “Tôi ước được trở lại ngày xưa làm ít, nợ ít, không phải sống trong lâu đài xa hoa mà canh cánh nỗi lo nợ nần”.

Theo Báo giấy