Hên như Thám tử Hên-ry

TP - Tôi là người gần cuối cùng mua được vé vào xem Thám tử Hên-ry dù đến trước giờ chiếu khá sớm. Không ngờ phim Việt lại đắt khách thế. Xem phim xong thì thấy Thám tử Hên-ry quả là… hên khi đã kéo được khán giả đến kín rạp.
Gương mặt đậm chất xi-nê của người mẫu Duy Nhân trong “Thám tử Hên-ry”.

Nếu nhìn hình ảnh quảng cáo để mua vé, thì khán giả đã lầm với trường hợp Thám tử Hên-ry. Trước khi phim khởi chiếu, có hẳn một hình nộm của Tấn Beo trong vai thám tử dắt theo manequin máu me váy trắng không đầu đặt ở rạp. Poster phim cũng có hình ma không đầu. Nhưng ma trong phim đầu tóc còn nguyên. Poster in mấy câu: “Đường vắng đêm trăng. Một vụ tai nạn làm chết một cô gái. Và từ đó cứ mỗi trăng rằm. Người ta lại thấy cô gái ấy trở về” làm người ta liên tưởng đến ma sói, nhưng yếu tố “trăng rằm” hoàn toàn không được đề cập trong phim.

Phim đơn giản dọa khán giả bằng hình ảnh “kinh điển”: Nữ giới váy trắng tóc xõa đi lại vật vờ… Cách này khiến nhà làm phim đỡ phải động não, nhưng cũng không sao vì Thám tử Hên-ry còn là phim hài. Trong đó, nhân vật của Tấn Beo châm biếm: “Ngộ quá, sao con ma nào cũng mặc đồ trắng để tóc dài không vậy, sao nó không để tóc ngắn mặc bikini!”. Với phong cách hình ảnh giản tiện đó, dĩ nhiên các cảnh dọa ma của phim chỉ ở mức làm cho khán giả giật mình. Dù cho các hiệu ứng âm thanh có được cố tình làm quá đi chăng nữa.

Kịch bản phim khá sơ sài nên nửa đầu phim làm khán giả buồn ngủ hơn là sợ. Đoạn đầu giống như các cảnh dọa ma nối tiếp nhau, cốt truyện chả biến động gì mấy. Các thám tử chẳng biết làm gì ngoài việc vác sổ và bút đến đoạn đường tai nạn phỏng vấn các nhân chứng.

Phim dễ hiểu, chia làm ba phần rõ ràng. Đầu tiên là điều tra về con ma. Tiếp theo là lật mặt ma, lý giải những gì đã xảy ra ở đoạn đầu. Cuối cùng là thủ phạm phải trả giá (khá nhẹ, chỉ bị đi cải tạo) và bài học đạo đức. Có vẻ như đạo diễn Tấn Beo đánh giá khả năng xem hiểu của khán giả hơi thấp. Anh đặt mục tiêu: “Tôi muốn xây dựng phim có tình tiết, có cốt truyện, hình ảnh phù hợp với người Việt Nam. Tôi luôn cố gắng phải làm sao để phim dễ hiểu, có tính nhân văn nhất, như vậy là vui rồi. Vì phim của tôi không phải là phim đầu tư lớn như các phim Việt khác, khán giả thích thì đó là một món quà lớn rồi”.

Không biết có phải do đạo diễn là diễn viên hài kịch không mà Thám tử Hên-ry tựa như kịch ma dựng thành phim. Mà xem kịch ma e rằng còn sợ hơn vì khán giả và diễn viên không bị màn ảnh ngăn cách.

Đạo diễn không nói thì xem phim cũng đủ biết là đầu tư sơ sài, kể từ chọn bối cảnh trở đi. Để có đoạn đường có ma, các nhà làm phim hình như chỉ việc vác máy vào khu chung cư. Đường cũng vắng nhưng cây cối ngay ngắn, cỏ xén phẳng lì, xa xa vẫn thấy bóng đèn tròn kiểu bày trong vườn. Chả có gì đáng sợ.              

Với tư cách phim kinh dị, các cảnh ma có khả năng làm khán giả hơi buồn cười vì quá khuôn sáo. Động cơ để “con ma” ra tay tàn độc chưa đủ độ thuyết phục. Người làm phim cũng không đủ sức để khai thác tâm bệnh lý của ma. Nên nhân vật này chỉ là cái bóng nhạt nhòa nhằm cắt nghĩa cho đoạn đầu của phim.

Bảo Thám tử Hên-ry là phim hài thì e hơi quá vì phim rất ít tình tiết gây cười. Có cười cũng chỉ nhờ diễn xuất của Tấn Beo - diễn viên hài duy nhất trong phim. Thoại của thám tử khá nhạt. Chẳng hạn lúc lật chăn bệnh nhân, cũng là khách hàng, đang đắp, Hên-ry nói với trợ lý đại loại: “Nạn nhân là nam. Hai tai còn đủ cả. Ăn được nhưng không đi được…”.

Kiểu thoại dằn từng tiếng như đọc (mà các diễn viên hài kịch hay dùng để thể hiện vẻ ngây ngô) bị lạm dụng hơi nhiều. Ít nhất ba nhân vật dùng cách nói này để kể chuyện ma. Một nhân vật có thể khai thác thêm là cô gái vui tính thích giả ma ở chung cư chỉ xuất hiện mấy phút.

Tấn Beo cũng là diễn viên có tên duy nhất trong phim, còn lại đều là những gương mặt trẻ, còn khá mới. Phim có sự tham gia của hai ca sĩ Hoàng Bách và Trương Thế Vinh. Cả hai diễn đều nghiệp dư nhưng Trương Thế Vinh gây nhàm chán hơn vì bị giao vai quá xương, xuất hiện quá nhiều.