Hãy hỏi dân

TP - Câu chuyện bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên hay phá dỡ rồi giữ lấy vài nhịp đang nóng lên trong những ngày qua.

Không nóng sao được khi cây cầu hơn trăm tuổi đã trở thành một phần hồn cốt của Hà Nội, trở thành di sản gắn bó với biết bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. Thậm chí như phân tích của nhà sử học Dương Trung Quốc, cầu Long Biên là một phần không thể thiếu của phố cổ Hà Nội.

Khỏi phải lý giải nhiều, hẳn chúng ta đều dễ dàng thừa nhận giá trị lịch sử và văn hóa (thậm chí cả về công nghệ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) của cây cầu Long Biên cổ kính vắt qua 3 thế kỷ này. Như thế cây cầu đã thuộc về nhân dân, muốn dỡ bỏ hay di dời nó ắt phải hỏi ý kiến, chí ít cũng là các công dân Hà Nội.

Tức cần hội thảo, bàn bạc rộng rãi, công khai, dân chủ trong xã hội để lấy ý kiến đóng góp của đại diện mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các chuyên gia về văn hóa, lịch sử, kiến trúc...

Còn nhớ câu chuyện chợ 19/12 ở Hà Nội cách đây 6 năm, khi đó nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, của công luận hẳn nền con đường 19/12 bây giờ đã thành móng của một Trung tâm thương mại cao 17 tầng.

Khi đó Tiền Phong là một trong những tờ báo đầu tiên đăng bức thư ngỏ của nhà sử học Dương Trung Quốc (10/12/2008) gửi “Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội”.

Bức thư có đoạn viết : “Chắc chắn khôi phục con đường này và ghi dấu tại đó những lưu niệm của một thời hy sinh gian khổ của Hà Nội trong chiến tranh sẽ làm Hà Nội giàu có hàm lượng văn hóa hơn rất nhiều việc thay vào đó là một toà nhà 17 tầng chỉ để kinh doanh”.

Sau đó ròng rã gần một tháng trời, Tiền Phong mở diễn đàn về vấn đề này với ngót 60 bài báo (trên báo giấy và báo điện tử) được đăng tải. Và đến ngày 6/1/2009, tiếp thu ý kiến của công luận, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, UBND TP Hà Nội đã chính thức quyết định giữ lại con đường mang tên 19-12 như hiện nay.

Nhắc lại tiền lệ tốt đẹp trên để thấy rằng, trước một vấn đề khó, trước bài toán đặt ra giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, hãy đi tìm lời giải đúng đắn và sáng suốt ở nơi dân. Hãy cung cấp mọi thông tin cần thiết, mọi giải pháp có thể để mọi người dân được biết, được bàn, được đóng góp ý kiến.

Tin rằng, rồi đây một giải pháp tối ưu nhất cho cây cầu Long Biên lịch sử sẽ ra đời. Và các thế hệ mai sau vẫn có cơ hội biết đến một cây cầu đã từng đi vào thơ ca của nhiều thế hệ cha ông chúng.