Hãy đợi đấy!

TP - Anh Nguyễn Cường ở quận 6, TPHCM đang có nhu cầu vay vốn khoảng 400 triệu đồng với mục đích xây nhà ở. Nghe tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất huy động về mức 11%/năm, anh khấp khởi mừng thầm vì thể nào lãi suất cho vay theo đó cùng giảm.

> Hạ trần lãi suất huy động còn 11%/năm

Nhưng anh vỡ mộng khi tham vấn một nhân viên ngân hàng quen biết và được cho hay “giảm thì giảm là thế, nhưng ngân hàng em chưa có kế hoạch giảm theo”.

Chính anh là người đã có kinh nghiệm thương đau hai năm trước khi vay tới 800 triệu đồng mua đất ở thành phố mới Bình Dương. Lúc đầu lãi suất mới chỉ 14%/năm nhưng chỉ một thời gian sau, qua vài lần điều chỉnh, lãi suất mà anh phải chịu tăng lên 18 rồi 22%.

Đất đai “đóng băng”, bán lỗ cũng không ai mua mà lãi ngân hàng ngày càng quá sức chịu đựng. “Cứ mỗi sáng thức giấc là những con số lãi mẹ lãi con cứ bay lượn trước mắt tôi như ác mộng. Vợ chồng tôi những ngày ấy luôn sống trong sợ hãi, anh kể.

Nay mặc dù NHNN đã giảm trần lãi suất huy động 1 điểm % nhưng cũng giống như thị trường xăng dầu, giá tăng rất nhanh nhưng giảm vô cùng “khoan thai”, thị trường vốn cũng chứng kiến những cảnh tương tự.

Dù mặt bằng lãi suất về danh nghĩa đã giảm nhưng các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn ở thời điểm này cũng vẫn phải đối mặt với đủ thứ trần ai.

Khi lãi suất trần tăng, rất nhanh chóng các ngân hàng đòi tăng lãi suất với những khoản vay cũ, nhưng khi trần lãi suất giảm, họ tìm đủ mọi cách trì hoãn hay từ chối cho vay với mức lãi suất giảm tương ứng.

Một số doanh nghiệp đã liên hệ với ngân hàng và đề nghị điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ theo mặt bằng lãi suất hiện nay, nhưng ngân hàng từ chối với lý do đã huy động vốn với lãi suất cao trước đó.

Giống hệt lý do của các doanh nghiệp xăng dầu khi từ chối đề nghị giảm giá trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục hạ.

Mặc dù lãi suất huy động đã được giảm ngay lập tức thì khó mà biết đến lúc nào các ông chủ ngân hàng mới điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm. Và kéo dài tình trạng này ngày nào thì lợi vào tay ai đã rõ.

Có thể nói, quyết định giảm lãi suất cơ bản liên tiếp trong thời gian ngắn là những bước đi quan trọng của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhưng những diễn biến trên thị trường vốn cho thấy cần có những biện pháp đi cùng để doanh nghiệp thực sự tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, khôi phục đà phát triển, tránh tình trạng doanh nghiệp và người dân luôn phải co kéo bên lề “tấm chăn hạnh phúc” còn các ngân hàng ung dung “nằm giữa”.

Bởi một nền kinh tế phát triển hài hòa phải có hệ thống ngân hàng đúng nghĩa đóng vai trò bà đỡ của tiến trình tăng trưởng chứ không phải là thành phần duy nhất được hưởng lợi với điệp khúc “lên nhanh chóng, giảm khoan thai”.

Theo Báo giấy