Hàng vạn du khách đội mưa, vượt đường trơn trượt khai hội Yên Tử

TPO - Lễ khai hội xuân Yên Tử được tổ chức vào ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại Quảng trường Minh Tâm - Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh). Tuy trời mưa, đường trơn trượt nhưng không cản được dòng người hành hương về đất Phật Yên Tử.

Lễ khai hội Yên Tử được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại Quảng trường Minh Tâm - Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Theo UBND TP. Uông Bí, lễ khai hội diễn ra với quy mô khoảng 20.000 đại biểu và du khách thập phương. Năm nay, lễ khai Hội xuân Yên Tử được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, mang đậm bản sắc của dân tộc.

Lễ khai Hội xuân Yên Tử có sự tham gia của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đại biểu, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Lễ khai hội bao gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với nghi lễ tâm linh như gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử. Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động văn hóa đặc sắc như các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương Yên Tử, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử.

Danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược.

Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng ấy, khi đất nước thanh bình, vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con - Trần Anh Tông - để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm.

Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, đạo và đời luôn hòa quyện, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của đất nước. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc Lâm và Trần Nhân Tông chính là Đức Phật Hoàng của dân tộc.

Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, lấy đạo để xây đời và qua đời để dựng đạo.

Vì lẽ đó Yên Tử luôn được xem là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam, là “đất Phật”, là “cõi thiêng ngàn năm”, chốn hành hương, hội tụ của hàng triệu du khách, nhân dân và Phật tử mỗi năm về chiêm bái, lễ Phật. Sáng khai hội, Yên Tử có mưa, du khách phải mặc áo mưa di chuyển từ chân Yên Tử lên cáp treo và từ điểm kết thúc cáp treo lên chùa Đồng. Tuy trời mưa, đường trơn trượt nhưng không cản được dòng người hành hương về đất Phật.

Lễ hội xuân Yên Tử năm 2024 sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Trước đó, chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán, khu di tích Yên Tử đã đón 138.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.