Hàng ngàn lao động lo mất việc vì...lò gạch

TP - “Dân lo lắng, có ý kiến nhiều lắm về việc cuối tháng 6 này phải dỡ lò, ngưng sản xuất gạch, nhưng mấy ổng nín thinh”- Bà Ngô Thị Tuyết, chủ cơ sở sản xuất gạch ở thôn Phước Lâm (Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) nói. 
Một lò gạch thủ công ở Phước Lâm, Ninh Xuân

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, xã Ninh Xuân là vùng sản xuất gạch lớn nhất của tỉnh Khánh Hoà, mỗi năm các lò gạch thủ công ở Ninh Xuân sản xuất khoảng 100 – 120 triệu viên gạch thẻ và gạch ống. Với gần 70 cơ sở sản xuất gạch, nghề làm gạch ở Ninh Xuân tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.200 người, chưa kể lao động liên quan. Nhưng các lò gạch ở Ninh Xuân nằm trong khu dân cư, khói bụi độc hại của các lò gạch là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng. 

  

Theo chỉ thị ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Khánh Hòa về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh, các lò gạch thủ công, lò gạch thủ công cải tiến phải chấm dứt hoạt động vào tháng 6/2014. Ngày 15/4/2014, UBND thị xã Ninh Hòa ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, sẽ tháo dỡ, xóa bỏ toàn bộ các lò gạch thủ công trên địa bàn thị xã, hoàn thành việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến trong tháng 6/2014, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ đối với các trường hợp chủ lò không tự tháo dỡ…

Quá gấp, chưa có lối ra 

“Đùng một cái bắt tôi nghỉ, mấy chục người ở chỗ tôi lấy gì sống đây?”, ông Lê Văn Hài, chủ một cơ sở sản xuất gạch ở Ninh Xuân nói. Theo ông, chỉ có hơn 1 tháng để ngưng sản xuất gạch là không thể. Ông đã vay vốn ngân hàng để mua hơn 300 m3 đất sét, mua lượng bã mía đủ đốt lò trong mấy tháng, nếu ngưng sản xuất thì thiệt hại không nhỏ. Điều khiến ông lo lắng nhất, bức xúc nhất là đời sống của gia đình ông, của gia đình những người làm gạch. Hiện nay ở Khánh Hòa chưa có mô hình sản xuất gạch không nung nào, không có khu quy hoạch sản xuất gạch nào, để ông Hài di dời cơ sở sản xuất gạch tới đó.

Hơn nữa, theo ông Hài, có sự không công bằng trong việc bắt các lò gạch thủ công ngưng sản xuất. “Họ buộc chúng tôi ngưng vì sản xuất gạch nung bằng than hoặc bằng lò đốt củi, gây thiệt hại về rừng, nhưng sự thực chúng tôi đang đốt lò bằng bã mía. Trong khi 3 cơ sở sản xuất gạch tuy-nel, vẫn là gạch nung, đốt lò bằng than, cũng tỏa khói mịt mù giữa khu dân cư, sao không bị ngưng sản xuất?”, ông Hài nói. 

Cùng bức xúc như ông Hài, bà Tuyết than phiền, chỉ nghe phổ biến phải ngưng sản xuất gạch, nhưng không nghe ai nói sẽ hỗ trợ cho người làm gạch như thế nào. 

“Nếu cuối tháng này buộc dân ngưng sản xuất hay cưỡng chế phá lò gạch thủ công, ảnh hưởng lớn lắm”, ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân nói. Ông xác nhận, dân muốn di dời lò gạch để tiếp tục sản xuất cũng không có chỗ để di dời, vì chưa có khu quy hoạch sản xuất gạch. 

Ở Ninh Xuân không có điều kiện mở ngành nghề sản xuất nào khác có thể tạo được vài trăm việc làm, trong khi số người làm gạch có nguy cơ mất việc là hàng nghìn người. Người sản xuất gạch ở Ninh Xuân đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời cho họ, lui thời hạn chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công đến cuối năm 2015, tổ chức đối thoại với các chủ cơ sở sản xuất gạch. 

UBND xã Ninh Xuân đã có văn bản chuyển ý kiến của người dân lên UBND thị xã Ninh Hòa, nhưng chưa nhận được phản hồi. Hiện Sở Tài chính đã đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, để UBND thị xã Ninh Hòa có cơ sở lập phương án hỗ trợ di dời.